Tôi được người bạn giới thiệu mua kẹo rau Kera cho mẹ già 80 tuổi ăn, vì nhãn hàng quảng cáo “sản phẩm này có thể thay cho rau xanh trong bữa ăn”.
Mẹ tôi nhiều năm nay rất ít ăn rau, bị bệnh táo bón nghiêm trọng dù vẫn uống thuốc bắc điều trị. Bạn thân của tôi biết chuyện đã khuyên mua kẹo rau Kera cho mẹ ăn, vì cô ấy thấy quảng cáo sản phẩm “tốt cho sức khỏe, giúp dễ đi tiêu” và cũng vừa mua combo 750.000 đồng về sử dụng.
Tôi tìm hiểu thì thấy kẹo này được nhiều người nổi tiếng như Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs quảng cáo: một viên kẹo bằng một đĩa rau, có nhiều vitamin, tốt cho trẻ nhỏ và người già… nên đã mua combo về cho mẹ ăn. Tuy nhiên, mấy ngày nay có thông tin một người dùng đã mang kẹo này đi kiểm tra tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, kết quả cho thấy cả hộp 30 viên nhưng lượng chất xơ chỉ có 0,51 g – khác xa so với quảng cáo. Tiếp đó, doanh nghiệp sản xuất kẹo vẫn cho rằng “sản phẩm có các thành phần đã công bố”.
Vậy, tôi phải làm sao để biết sản phẩm đã mua có đúng như quảng cáo không? Cơ quan nào có chức năng xác định sự thật này?
Nếu cơ quan chức năng xác định thực tế sản phẩm không đúng như quảng cáo thì bên bán sẽ bị xử lý thế nào?
Liên quan đến vụ việc bạn nêu, hiện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP HCM và Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk kiểm tra việc sản xuất và quảng cáo sản phẩm, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm.
Còn về phía người tiêu dùng, tôi xin đưa ra một số ý kiến và hướng dẫn để bạn có thể bảo vệ quyền lợi của mình:
Nếu muốn kiểm chứng thông tin về thành phần dinh dưỡng của sản phẩm, bạn có thể:
– Kiểm tra nhãn sản phẩm: Theo Điều 44 Luật An toàn thực phẩm 2010, thực phẩm lưu thông trên thị trường phải có nhãn ghi rõ thành phần dinh dưỡng, bao gồm chất xơ nếu có. Hãy đối chiếu thông tin trên nhãn với thông tin được quảng cáo.
– Yêu cầu công bố tiêu chuẩn chất lượng: Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan Nhà nước. Bạn có thể yêu cầu nhà sản xuất hoặc nhà phân phối cung cấp tài liệu này.
– Tự kiểm nghiệm sản phẩm: Bạn có thể gửi mẫu sản phẩm đến các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm để xác định hàm lượng chất xơ. Đây là bước quan trọng nhất để xác định xem sản phẩm có đúng như quảng cáo hay không. Bạn nên gửi mẫu sản phẩm đến các trung tâm kiểm nghiệm có uy tín, được cấp phép bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo danh sách do Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế công bố. Kết quả kiểm nghiệm sẽ là bằng chứng khoa học khách quan để chứng minh sản phẩm có chứa thành phần xơ như đã quảng cáo hay không.
Để chuẩn bị cho việc kiểm chứng sự thật về sản phẩm và làm việc với các cơ quan Nhà nước sau này, bạn cũng cần thu thập và lưu giữ chứng cứ như: tất cả các tài liệu liên quan đến giao dịch mua bán, bao gồm hóa đơn, phiếu thu, tin nhắn trao đổi với người bán, và các tài liệu quảng cáo của sản phẩm; ghi lại chi tiết các thông tin về sản phẩm, bao gồm tên sản phẩm, nhà sản xuất, hạn sử dụng, và các thông tin khác được ghi trên bao bì.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
– Cục An toàn thực phẩm: Cơ quan này có chức năng quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm, bao gồm cả việc kiểm tra và xác định thành phần dinh dưỡng của sản phẩm. Vì vậy bạn có thể liên hệ với cơ quan này, gửi mẫu sản phẩm và kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm.
Hoặc bạn cũng có thể liên hệ với Chi Cục quản lý thị trường thuộc Sở Công thương hoặc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương để trình báo sự việc và kiến nghị xử lý.
Trường hợp bạn ngại liên hệ trực tiếp với các cơ quan Nhà nước thì có thể liên hệ với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam hoặc Hội bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh nơi bạn cư trú. Hội này có những chức năng cơ bản sau: tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng về quyền và nghĩa vụ; tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; đại diện cho người tiêu dùng trong các vụ kiện.
Xử lý hành vi quảng cáo sai sự thật:
Hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị áp dụng các chế tài hình sự. Cụ thể:
– Xử phạt hành chính 60-80 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng sản phẩm theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo). Mức phạt sẽ tăng gấp đôi đối với tổ chức (doanh nghiệp) vi phạm.
– Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với tội Quảng cáo gian dối: nếu người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng; hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung với mức phạt tiền 5-50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu cơ quan chức năng phát hiện người bán hàng đã từng bị xử lý về hành vi quảng cáo sai sự thật thì người đó có thể bị áp dụng các chế tài hình sự như nêu trên.
– Về trách nhiệm dân sự: nếu cơ quan chức năng xác định người bán hàng có hành vi vi phạm, bạn có quyền trực tiếp yêu cầu người bán hàng bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện, yêu cầu toà án buộc người bán hàng bồi thường thiệt hại cho bạn do hành vi quảng cáo sai sự thật gây ra, bao gồm cả những chi phí mà bạn đã bỏ ra để kiểm định chất lượng sản phẩm và các chi phí hợp lý khác.
Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng giải quyết vụ việc, bạn có thể liên hệ với người bán hàng để yêu cầu giải thích và cung cấp bằng chứng chứng minh sản phẩm đúng như quảng cáo. Đồng thời, cung cấp cho người bán các bằng chứng mà bạn đã thu thập được, bao gồm cả kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm. Từ đó các bên có thể thương lượng về hướng xử lý phù hợp nhất. Nếu người bán hàng không hợp tác, khi đó, bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tòa án để được giải quyết.
Theo vnexpress.net
Kết nối MXH