Thắc mắc:
Thời gian qua, tôi thấy nhiều trường hợp người tham gia đấu giá đất đưa ra giá cao chót vót, nhưng khi trúng lại không mua.
Hành vi này không chỉ khiến mục đích của phiên đấu giá không đạt được mà còn gây xáo trộn thị trường đất đai tại khu vực.
Điều này khiến tôi thắc mắc: Liệu những người này có bị xử phạt hay không? Trường hợp nào sẽ bị phạt hành chính và trường hợp nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe?
Giải đáp:
Luật sư Thông – Trường hợp người tham gia đấu giá đất nếu trúng đấu giá nhưng sau đó không tiến hành nộp đủ tiền theo quy định thì sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá đó và mất số tiền đã đặt cọc.
Tuy nhiên, nếu việc cố tình đưa ra giá cao để trúng đấu giá nhưng sau đó không chịu mua nhằm mục đích phá phiên đấu giá, gây rối loạn thị trường đất tại khu vực,… thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Xử phạt hành chính:
Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, trường hợp thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Nếu người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015:
– Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá.
– Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản.
– Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Khung hình phạt sẽ là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phiên tòa giải quyết vụ án thổi giá đất ở Sóc Sơn
Đối với trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm nếu:
– Có tổ chức.
– Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.
– Gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên.
– Phạm tội 2 lần trở lên.
– Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Theo vnexpress.net
Kết nối MXH