Anh trai chị dâu ở nhờ nhiều năm trong căn hộ chung cư Hoa tự mua, song không chịu dọn đi khi em đề nghị.
Theo email gửi về VnExpress, Hoa cho hay lúc lấy chồng năm 2017 đã cho anh trai, chị dâu ở nhờ tại căn chung cư của cô. Nay Hoa có 2 con nhỏ, thất nghiệp, công việc của chồng khó khăn. “Tôi rất cần tiền lúc này”, chị chia sẻ.
Ngỏ ý muốn lấy lại căn chung cư để cho thuê, trang trải cuộc sống, Hoa bị anh chị phản đối, nhất định không dọn đi, với lý do “các con đã ở quen nhà”. Từ góc độ tình cảm và pháp lý, Hoa mong nhận được những tư vấn hợp lý cho trường hợp khó xử của mình.
Độc giả VnExpress đưa ra 225 lời khuyên, góp ý cho chị, một số ý kiến được nhiều người cùng đưa ra. “Bạn nói rõ tình hình tài chính với anh chị bạn nhờ môi giới đến xem và chụp ảnh căn nhà và nhờ họ bán giúp. Nếu có khách thật mà được giá cứ bán. Thứ hai, bạn đánh tiếng bán nhà trước để anh chị chuẩn bị phương án cho cuộc sống. Sau đó nếu bán không được thì khoảng 2-3 tuần sau nhờ ai đến nói là khách đã mua rồi và mời anh chị kiếm chỗ khác sinh sống. Chứ thấy tình hình này không mất lòng trước cũng mất lòng sau. Mỗi người một cuộc sống mà”, độc giả Đạt Mai khuyên.
Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty luật TNHH Fanci) đánh giá, nếu Hoa mua căn chung cư khi chưa kết hôn và trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở chỉ đứng tên mình bạn thì đó là tài sản riêng.
Với tài sản riêng, pháp luật quy định, Hoa có toàn quyền quyết định, định đoạt tài sản như: chuyển nhượng, cho tặng, cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, thừa kế… (Khoản 1 điều 10 Luật nhà ở)
Theo luật sư Hải, Hoa có toàn quyền bán căn chung cư mà không cần phải xin phép anh chị. Việc trình báo ra công an không cần thiết, vì đây là quan hệ dân sự. Hơn nữa, nếu Hoa trình báo sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ gia đình và có thể cả người mua, thuê nhà cũng sẽ đánh giá bạn ít thiện cảm.
Trước khi bán, luật sư Hải khuyên Hoa thông báo với anh chị để có thời gian chuẩn bị và phương án di dời ổn định cuộc sống. Hoa chủ động bán, cho thuê căn hộ theo pháp luật quy định để phục vụ cho cuộc sống của mình. “Đây là hành động hoàn toàn chính đáng của bạn”, luật sư Hải đánh giá.
Phân tích các điều luật liên quan, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) cho hay, cho ở nhờ (một phần hoặc toàn bộ căn nhà) là một trong những hình thức cho mượn tài sản.
Theo Điều 494 Bộ luật Dân sự, hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho mượn (Hoa) giao tài sản cho bên mượn (anh chị) sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền. Bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
Theo đó, anh chị của Hoa có nghĩa vụ:
– Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;
– Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;
– Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;
– Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn;
– Chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.
Về phía Hoa:
– Có quyền đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thoả thuận về thời hạn mượn;
– Nếu Hoa có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý…
Với các quy định nói trên, việc vợ chồng anh trai bạn cố tình không trả lại nhà khi có yêu cầu là đã vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật. Bạn Hoa có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng để bảo vệ quyền lợi, luật sư Vinh nêu.
Đồng quan điểm với luật sư Hải, luật sư Vinh cũng khuyên Hoa nói chuyện và thông báo trước một khoảng thời gian hợp lý để anh chị thu xếp tìm chỗ ở mới. Điều luật không quy định thời gian hợp lý là bao lâu, song thực tiễn xét xử cho thấy, khoảng thời gian hợp lý 3-6 tháng.
Việc thông báo phải làm thành văn bản (có biên bản giao nhận thông báo giữa hai bên hoặc gửi qua đường bưu điện) để làm căn cứ giải quyết sau này.
Hết thời hạn thông báo mà anh chị vẫn cố tình không trả nhà, Hoa có quyền khởi kiện đòi nhà cho ở nhờ tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi có nhà. Trường hợp này, ngoài việc vợ chồng anh trai bạn phải trả nhà thì còn phải bồi thường thiệt hại cho bạn nếu bạn có yêu cầu.
Luật sư Vinh cho hay, trước khi nộp đơn khởi kiện, Hoa cũng có thể (không bắt buộc) làm đơn gửi UBND xã, phường nơi có nhà đề nghị tiến hành hòa giải tranh chấp. Nếu hòa giải thành, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết tranh chấp so với khởi kiện vụ án tại tòa. Nếu hòa giải không thành, đây cũng là một căn cứ pháp lý để việc giải quyết vụ án tại tòa được nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Nguồn: https://vnexpress.net/tinh-va-ly-khi-doi-nha-cho-anh-trai-o-nho-4583787.html
Kết nối MXH