(PLO)- Người chồng (đã mất) thắng kiện nhưng tòa xác định lỗi là do người vợ nên buộc bà này phải chịu 18 triệu đồng chi phí ủy thác tư pháp nước ngoài.
TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là ông NVH (đã mất) và người bị kiện là UBND quận Ô Môn.
Kiện ủy ban về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Ông H khởi kiện yêu cầu tòa hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận Ô Môn cấp năm 2006 mang tên mẹ vợ ông. Lý do đất này là của vợ chồng ông, việc vợ ông tặng đất này cho mẹ vợ chưa có ý kiến của ông.
Theo hồ sơ, ông H và vợ kết hôn năm 1986 và tạo lập đất tại quận Ô Môn. Năm 1991, vợ ông đứng tên trên giấy đỏ với diện tích hơn 500 m2. Năm 1997, ông bà cất nhà ở tại đây.
Năm 2006, vợ ông H chuyển nhượng toàn bộ đất cho mẹ ruột. Năm 2017, mẹ vợ ông H qua đời. Đến năm 2020, ông H biết được toàn bộ phần đất của vợ chồng ông đã được sang tên cho mẹ vợ nên khởi kiện ra tòa…
Năm 2021, ông H qua đời nên những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông gồm vợ và các con ông tiếp tục tham gia vụ kiện này. Trong vụ kiện có một số người liên quan ở nước ngoài.
Người vợ phải chịu chi phí ủy thác tư pháp
Sau khi xét xử, HĐXX nhận định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1991 là sau thời điểm kết hôn nên được coi là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, khi vợ ông H chuyển nhượng sang cho mẹ ruột thì phải có ý kiến của ông H theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định nếu các đương sự không có thỏa thuận khác thì đương sự phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài nếu yêu cầu của họ không được tòa án chấp nhận.
Trong hồ sơ chuyển nhượng đất mà vợ ông H nộp cho cơ quan cấp giấy chứng nhận có biên bản họp gia đình, trong đó có chữ ký của ông H được giám định kết luận là không phải chữ ký của ông. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu một phần (đối với phần tài sản của ông H trong khối tài sản chung của vợ chồng – PV). Vì vậy, UBND quận Ô Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng toàn bộ đất mang tên mẹ vợ ông H là không có cơ sở.
Từ đó, tòa cho rằng yêu cầu khởi kiện là có căn cứ chấp nhận.
Tuy nhiên, tòa nhận định trường hợp này không có lỗi của UBND quận. Người có lỗi là vợ ông H, vì khi chuyển nhượng đất sang cho mẹ của bà đã không có ý kiến của ông H.
Vì vậy, tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, hủy giấy đỏ cấp năm 2006 mang tên mẹ vợ ông H. Ngoài ra, tòa còn tuyên vợ ông H phải đóng số tiền chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là 18 triệu đồng.
Luật quy định về chi phí ủy thác tư pháp ra sao?
Liên quan đến vấn đề chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Khoản 1 Điều 354 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định nếu các đương sự không có thỏa thuận khác thì đương sự phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài nếu yêu cầu của họ không được tòa án chấp nhận.
Tức là tòa án tuyên nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác ra nước ngoài dựa trên thỏa thuận hoặc yêu cầu khởi kiện được chấp nhận hay không được chấp nhận, chứ không dựa trên “yếu tố có lỗi hay không có lỗi” hay yếu tố “lỗi” của bên thứ ba.
Đồng tình, một thẩm phán cho biết việc chịu chi phí ủy thác tư pháp sẽ căn cứ vào yêu cầu của đương sự có được chấp nhận hay không chứ không căn cứ vào yếu tố lỗi. Tuy nhiên, trong vụ án trên, nếu vợ ông H ngoài là người kế thừa nghĩa vụ tố tụng khi ông H mất, còn tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (vì là người chuyển nhượng đất cho mẹ ruột), tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H thì có thể hiểu là đã bác yêu cầu của vợ ông H. Khi đó, tòa buộc vợ ông H chịu chi phí ủy thác cũng hợp lý.
Cũng theo vị thẩm phán này, các vụ việc tương tự, thông thường đương sự sẽ khởi kiện vụ án dân sự mà bị đơn là vợ ông H với yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ ông H và mẹ vợ ông H, trong đó sẽ kèm theo yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho mẹ vợ ông H. Đây sẽ là vụ án dân sự có kèm theo yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – PV). Lúc này, tòa sẽ xem xét nếu yêu cầu của ông H là có cơ sở (tức lỗi do vợ ông H) thì tòa sẽ chấp nhận yêu cầu của ông H và bị đơn là vợ ông H đương nhiên chịu chi phí ủy thác tư pháp. Như vậy, vừa đúng với quy định của pháp luật và quan trọng là giải quyết triệt để vụ án.
CHÂU YẾN
Nguồn: https://plo.vn/thang-kien-nhung-phai-dong-18-trieu-chi-phi-uy-thac-tu-phap-post754886.html
Kết nối MXH