Chiều 7-8, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) tổ chức phiên giải trình tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Không mặn mà phân hạng chung cư
Trình bày báo cáo của đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho hay công tác quản lý, vận hành chung cư trên cả nước đã cơ bản đi vào nề nếp. Cả nước có hơn 90% số lượng chung cư đang được quản lý, vận hành an toàn, ổn định, không xảy ra tranh chấp, khiếu nại.
Tuy nhiên, theo bà Phương, đoàn giám sát nhận thấy còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như số lượng chung cư thực hiện việc phân hạng là không nhiều, chỉ gồm bảy chung cư trên cả nước, còn lại không thực hiện phân hạng và công nhận phân hạng theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chủ trì phiên giải trình. Ảnh: TẤN VIỆT |
“Nhiều trường hợp nhà đầu tư không thực hiện việc phân hạng và công nhận phân hạng chung cư theo quy định mà tự phong hạng cho chung cư do mình đầu tư xây dựng bằng những tên gọi gây nhầm lẫn cho người mua, thuê căn hộ chung cư” – bà Phương nói.
Cùng vấn đề, ông Phạm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp, cho biết mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 có tách ra nội dung phân hạng chung cư nhưng theo thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì tùy chủ đầu tư (CĐT) muốn phân hạng hay không.
“CĐT đề nghị mới phân hạng, còn không thì thôi. Họ không chịu đâu vì họ quảng cáo chung cư cao cấp, hạng sang, không có CĐT nào nói chung cư của tôi loại trung bình hay yếu, toàn loại xịn hết. Tôi đề xuất trong luật quy định thẳng là phải có phân hạng chung cư” – ông Hòa nêu ý kiến.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho hay hiện có một nhóm đề xuất là bỏ luôn việc phân hạng chung cư. Tuy nhiên, ông Tùng cũng nêu quan điểm rằng phải chăng nên quy định khi CĐT lập dự án xây dựng chung cư thì yêu cầu đề xuất luôn chung cư đó hạng bao nhiêu. Sau khi xây dựng xong, cơ quan chức năng đi kiểm tra kết quả xây dựng đúng như cam kết thì công bố phân hạng.
Ban quản trị chung cư có cần đại diện CĐT?
Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH đơn vị TP.HCM, cho hay hiện tại các chung cư có số lượng người thuê lại căn hộ rất đông, có nơi chiếm hơn một nửa số căn hộ. Vì vậy cần có quy định người thuê lại căn hộ của chủ sở hữu có quyền lợi, trách nhiệm, đóng góp thế nào đối với chung cư đó.
Pháp luật hiện nay quy định chủ đầu tư phải là thành viên ban quản trị nhưng thực tế có việc chủ đầu tư gây khó khăn để không thành lập được ban quản trị.
“Nội dung vận hành, quản lý chung cư cần quy định thêm khi tổ chức hội nghị chung cư, khách thuê thời hạn bao nhiêu thì được thay mặt cho chủ nhà dự hội nghị này. Nếu triệu tập lần đầu không dự thì lần hai, lần ba xử lý thế nào cần phải có quy định” – ông Thắng cho hay.
Còn liên quan việc thành lập ban quản trị (BQT) chung cư, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho hay đang có kiến nghị rằng đại diện CĐT phải có trong thành phần BQT. Nhưng nếu quy định như vậy thì rất khó thành lập BQT, bởi nhiều người dân ở chung cư cho rằng BQT không có CĐT càng tốt.
“Quy định hiện nay khi biểu quyết căn cứ vào mét vuông. Ví dụ, CĐT giữ lại một tầng 1.000 m2 không bán. Khi họp BQT, chủ mỗi căn hộ 100 m2 chỉ có một phiếu, trong khi CĐT có đến 10 phiếu là thiệt thòi cho người dân. Do vậy cần tách riêng CĐT ra càng nhanh càng tốt” – ông Giang nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: TẤN VIỆT |
Về vấn đề này, theo ông Hoàng Thanh Tùng, pháp luật hiện nay quy định CĐT phải là thành viên BQT. “Nhưng CĐT cố tình gây khó khăn để không thành lập được BQT cho nên không ra mặt. Không thành lập được BQT thì CĐT không bàn giao kinh phí bảo trì, cứ lần lữa làm khó chuyện này. Cho nên đoàn giám sát kiến nghị là BQT không cần phải có CĐT và BQT đó vẫn đủ thành phần, cơ cấu, hoạt động theo quy định pháp luật. Còn nếu CĐT tích cực thì cứ tham gia thôi” – ông Tùng cho hay.
Làm sao công bằng giữa chung cư và nhà ở riêng lẻ?
Một nội dung mới rất được quan tâm là chính sách hỗ trợ, bồi thường đối với chung cư. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, không có chung cư nào vĩnh viễn nhưng đất thì sở hữu lâu dài. Hai khoản này vênh nhau dẫn đến tình trạng chung cư đổ sập do thiên tai thì Nhà nước nghĩ cách hỗ trợ, thành ra chung cư lại có tính đặc thù. Nhưng nhà ở riêng lẻ do thiên tai làm đổ sập thì Nhà nước chỉ hỗ trợ hay cứu trợ một lần, sau đó người dân xây thế nào thì xây. Riêng chung cư đổ sập thì Nhà nước bỏ tiền ra, thuê đất, thuê nhà cho người dân ở tạm rồi khi xây lại chung cư thì cho người dân tham gia dự án. “Tôi thấy như vậy là không công bằng” – ông Giang nói.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, lý giải dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến quy định một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với chung cư không thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể là trong một số trường hợp do thiên tai, chung cư bị tàn phá, hư hỏng thì lúc đấy Nhà nước có chính sách hỗ trợ, thậm chí là bồi thường đối với chủ sở hữu chung cư.
“Đấy cũng là chính sách rất nhân văn. Thế tại sao nhà ở riêng lẻ thì không được quy định như vậy, tính hợp lý của quy định này thế nào vẫn cần tiếp tục bàn thảo” – ông Tùng cho hay.
Kết nối MXH