(PLO)- Nhiều thủ tục hành chính người dân có thể thực hiện ở bất cứ đâu, không phải đến cơ quan nhà nước.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, vừa ký báo cáo Chính phủ về kết quả hai năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) của tổ công tác thực hiện đề án. Trong hai năm qua, người dân cả nước đã được hưởng nhiều lợi ích từ đề án này, nhất là trong việc thực hiện thủ tục hành chính..
Đã cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân
Theo báo cáo của tổ công tác, trong hai năm qua, các mục tiêu cơ bản của Đề án 06 cơ bản đã đạt được. Đáng chú ý, nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử đã được cung cấp.
Cụ thể, 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Trong số này, 35 dịch vụ công được thực hiện toàn trình. Nghĩa là người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan nhà nước, cắt giảm được giấy tờ, chi phí đi lại.
Cũng theo báo cáo, đã có hơn 6,3 triệu lượt người dân thực hiện khai báo lưu trú trực tuyến, không phải đến cơ quan công an, đạt tỉ lệ 97%. “Có hơn 2 triệu thí sinh thực hiện đăng ký thi trực tuyến, giúp người dân không phải mua hồ sơ giấy, rút ngắn thời gian xét tuyển, cha mẹ không phải nghỉ làm, giảm ùn tắc giao thông” – báo cáo nêu.
Về phát triển công dân số, người dân đã được cung cấp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm hoạt động công việc hằng ngày cả trên môi trường mạng. Bộ Công an đã cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao. Đồng thời, hoàn thành cấp hơn 84,7 triệu CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc, duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Có hơn 2 triệu thí sinh thực hiện đăng ký thi trực tuyến, giúp người dân không phải mua hồ sơ giấy, rút ngắn thời gian xét tuyển, cha mẹ không phải nghỉ làm, giảm ùn tắc giao thông.
Cạnh đó, việc triển khai các tiện ích trên ứng dụng VNeID vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó có những nội dung mang lại nhiều tiện ích cho người dân, như sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai dịch vụ công thông báo lưu trú; tích hợp CCCD, thông tin cư trú của công dân; tích hợp ví điện tử lên tài khoản VNeID; tích hợp dữ liệu đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe, thông tin BHXH, BHYT…
“Đối với các cơ quan nhà nước, Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin” – báo cáo đánh giá. Tổ công tác cũng cho rằng việc này giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương. Mặt khác, tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Chín bộ, ngành có tỉ lệ đơn giản hóa TTHC dưới 50%
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ công tác chỉ rõ hiện còn 26 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình đã đặt ra. “Nếu khắc phục được những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ được những “điểm nghẽn” thì người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng thành quả của Đề án 06 nhiều hơn nữa” – báo cáo nhận định.
Cụ thể, về pháp lý, báo cáo nêu quy trình cho việc xây dựng, tạo lập dữ liệu, sử dụng ngân sách hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số chưa hoàn thành, chậm tiến độ ba tháng, dẫn đến một số nhiệm vụ khác chậm tiến độ.
Về dịch vụ công, còn 558 thủ tục hành chính theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ chưa được thực thi, chậm tiến độ bốn tháng. Báo cáo chỉ rõ trách nhiệm này thuộc 14 bộ, ngành, trong đó có chín bộ, ngành có tỉ lệ đơn giản hóa thủ tục hành chính đạt dưới 50%, gồm các bộ GTVT, KH&ĐT, Ngoại giao, Tài chính, TT&TT, Tư pháp, Y tế và Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, còn 15 dịch vụ công thiết yếu chưa hoàn thành cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia, chậm tiến độ năm tháng. Trách nhiệm này thuộc về các bộ LĐ-TB&XH, KH&ĐT, Y tế, TN&MT, Tư pháp, Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Cũng theo báo cáo, tỉ lệ khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa vẫn còn thấp, mới đạt 9%. “Điều này dẫn tới nguy cơ người dân vẫn phải khai báo thông tin nhiều lần, tác động tới năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu có 50% thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm” – báo cáo đánh giá.
Đặc biệt, hiện pháp luật đã quy định cho phép việc sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử tương đương với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, các quy trình nghiệp vụ trong thực hiện các thủ tục hành chính của các bộ, ngành chưa điều chỉnh theo. Hệ quả là chưa phát huy được giá trị của giấy tờ điện tử, giảm bớt phiền hà cho công dân khi họ vẫn phải xuất trình giấy tờ giấy, phải sao y, công chứng trước khi thực hiện thủ tục hành chính.
Thí điểm chi trả an sinh xã hội qua VNeID tại sáu địa phương
Tại báo cáo, tổ công tác đề xuất Thủ tướng lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.
Tổ công tác cũng đã xây dựng 81 nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2024, trong đó có 17 nhiệm vụ tập trung thực hiện từ nay đến tháng 6-2024, trước thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực. Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Công an triển khai giải pháp chi trả an sinh xã hội qua VNeID tại sáu địa phương thí điểm gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu trong tháng 1-2024, trước khi nhân rộng trên toàn quốc.
Hôm nay (5-1), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2023.
Kết nối MXH