• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của thời đại công nghệ, ở trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán tiền giả với mệnh giá rẻ, uy tín, đủ các mệnh giá và hình thức rao bán đa dạng, tinh vi và công khai trên mạng rất nhiều. Những hành vi này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vậy “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả bị xử lý như thế nào? Chúng ta cùng làm rõ tội phạm này qua bài viết dưới đây.

Thế nào là tiền giả?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN quy định về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng như sau: “Tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước in, đúc, phát hành”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN còn quy định “Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản”, Như vậy, đây là các văn bản pháp luật quan trọng đưa ra khái niệm về tiền giả và các văn bản còn hiệu lực pháp luật là cơ sở để cơ quan tố tụng áp dụng nhằm xử lý các hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

Mặt khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tiền tệ và các loại giấy tờ có giá trị như tiền.

Đối tượng của tội phạm này là tiền. Tiền là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Tiền được mọi người chấp nhận sử dụng, do Nhà nước phát hành và bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ.

Mặt khách quan của tội phạm

Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả được thực hiện bằng một trong các hành vi sau:

  • Làm tiền giả là hành vi làm giả bằng phương pháp vẽ, sao chụp, tạo bản in, in tiền giả;
  • Tàng trữ tiền giả là hành vi cất giấu tiền giả ở một nơi nào đó (trong người, trong nhà, nơi làm việc…) không kể thời gian dài hay ngắn nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng;
  • Vận chuyển tiền giả là di chuyển tiền giả từ địa điểm này đến địa điểm khác bằng bất kỳ phương tiện nào (mang theo người, xe máy, ô tô…);
  • Lưu hành tiền giả là hành vi tìm nguồn tiêu thụ, mua bán, đưa tiền giả vào lưu thông trên thị trường.
  • Tội phạm này được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiện một trong các hành vi nêu trên. Số lượng tiền giả nhiều hay ít chỉ ảnh hưởng đến việc xác định khung tăng nặng hình phạt đối với người phạm tội.

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước in, đúc, phát hành
Tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước in, đúc, phát hành

Quy định của pháp luật về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

Hành vi làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.

Thêm vào đó, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau:

“Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

  1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
  3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
  4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
  5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Hình phạt tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

Hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Xử phạt hành chính

Đây là một hành vi vi phạm hình sự nên người phạm tội ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự ra thì còn có thể chịu mức xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự tùy thuộc vào giá trị tiền giả tương ứng khi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành mà mức phạt đối với tội này được chia thành 04 trường hợp như sau.

Trường hợp 1: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm trong trường hợp có đủ các yếu tố cấu thành tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Trường hợp 2: Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Trường hợp 3: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng trên 50.000.000 đồng.

Trường hợp 4: Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Một số câu hỏi thường gặp

Vô ý không biết là tiền giả mà sử dụng có bị phạt không?

Mặt chủ quan của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Do đó, hành vi vô ý sử dụng tiền giả nếu như có chứng cứ chứng minh được người thực hiện không hề có lỗi trong việc sử dụng thì người đó có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người mua tiền giả có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?

Đối với hành vi mua tiền giả thì được chia làm 2 trường hợp:

  • Hành vi mua bán chưa hoàn thành và người mua chưa nhận được tiền giả: Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chỉ quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Do đó, nếu như hành vi mua bán chưa hoàn thành và người mua chưa nhận được tiền giả thì vẫn chưa đủ căn cứ để truy tố tội tàng trữ tiền giả. Vì vậy, trong trường hợp này có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Hành vi mua bán đã hoàn thành và người mua đã nhận được tiền giả: giai đoạn này được xem là đủ cấu thành tội phạm theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong trường hợp này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự.

Trên đây là quy định pháp luật về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Để biết thêm thông tin chi tiết về Dịch vụ Luật sư Hình sự, quý khách vui lòng liên hệ thông tin sau đây:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

0982645619 0982645619