• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Trong xã hội ngày nay, hoạt động cho vay nặng lãi có xu hướng gia tăng cả về số lượng tội phạm cũng như mức độ phức tạp. Với những tác hại và hệ lụy mà hành vi cho vay lãi nặng đã mang đến ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống xã hội, điều này cho thấy cần phải có những thiết chế phù hợp và những điều chỉnh kịp thời để có thể răn đe tội phạm, vi phạm. Bộ luật Hình sự 2015 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 từ tội “Tội cho vay lãi nặng” thành “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” để phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Với kinh nghiệm nhiều năm thông qua các lĩnh vực tư vấn, đại diện và bảo vệ quyền lợi của Quý khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đên tội cho vay nặng lãi, Luật sư Thông xin đưa ra một số thông tin nhằm trả lời cho câu hỏi Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định như thế nào?

Khái niệm về tội cho vay nặng lãi

Dựa trên tinh thần Điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015, có thể hiểu, tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là hành vi cho vay tiền trong giao dịch dân sự với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự nhằm thu lời bất chính.

Tội cho vay nặng lãi gây áp lực tài chính nặng nề cho người vay, khiến họ trở nên nợ nần chồng chất và khó khăn trong việc thanh toán nợ gốc và lãi. Trong một số trường hợp, người vay còn phải đối diện với nguy cơ mất tài sản, mất niềm tin vào đồng loại và mất đi sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Ngoài ra, tội cho vay nặng lãi còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội, như tăng trưởng nợ xấu, suy thoái kinh tế, mất động lực sáng tạo, và ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Dấu hiệu pháp lý tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Chủ thể của tội phạm

Người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định do pháp luật quy định.

 Người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định do pháp luật quy định
Người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định do pháp luật quy định

Khách thể của tội phạm

Xâm phạm tới trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về hoạt động tín dụng, mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; xâm phạm đến lợi ích tài chính của công dân.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi cho người khác vay với thỏa thuận lãi suất cao gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất được Bộ luật Dân sự quy định. Căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất hợp đồng vay được xác định như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ  tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường cụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại ký họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Hành vi nêu trên còn cấu thành tội phạm nếu người phạm tội thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.00.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. (Dựa trên Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015).

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

Lỗi cố ý trong hành vi này có thể là lỗi cố ý trực tiếp (người thực hiện nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả hành vi của mình, tuy nhiên vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra) hoặc lỗi cố ý gián tiếp (người thực hiện không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra).

Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP thì số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự được xác định như sau:

Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.

Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.

Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Mức xử phạt đối với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định như thế nào?
Mức xử phạt đối với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định như thế nào?

Mức xử phạt đối với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Căn cứ vào quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 thì khung hình phạt Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

* Khung cơ bản: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

* Khung tăng nặng: phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

* Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, quy định tại Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể như sau:

– Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

– Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

– Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

– Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,…) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

– Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 01. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.

Trên đây là nội dung bài viết Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định như thế nào?” Để biết thêm thông tin chi tiết quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây.

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619