• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Trong những năm gần đây, Thừa phát lại đang có sự phát triển lớn mạnh về số lượng Thừa phát lại và văn phòng Thừa phát lại trên cả nước. Các dịch vụ của Thừa phát lại cũng ngày càng được ứng dụng nhiều trong các hoạt động pháp lý cũng như đời sống giao dịch của người dân. Tuy nhiên, nhiều người dân thậm chí là các cơ quan, tổ chức còn hiểu biết hạn chế về chế định này. Vậy Thừa phát lại là ai? Trong bài viết này xin giới thiệu về khái niệm và chức năng của Thừa phát lại.

Thừa phát lại là ai?

Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và pháp luật có liên quan, trong đó:

  • Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;
  • Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định.

Theo đó Thừa phát lại phải là công dân Việt Nam thực hiện các yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân dựa trên thẩm quyền, phạm vi chức năng của mình trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Thừa phát lại là ai? Hình ảnh Thừa phát lại Quận Thủ Đức cùng với khách hàng lập vi bằng
Hình ảnh Thừa phát lại Quận Thủ Đức (nguồn: thuaphatlaisaigon.vn)

Chức năng quan trọng nhất và mang tính lịch sử cho sự trở lại của Thừa phát lại là hoạt động tổ chức thi hành án dân sự. Theo Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp xác định: “Nghiên cứu việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp”. Chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị: “Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”, mà cụ thể hơn là “nghiên cứu chế định Thừa phát lại: trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”. 

Tuy nhiên, đến nay Thừa phát lại đã trải qua thời gian tổ chức thi điểm và đi vào hoạt động hơn 10 năm nhưng chức năng tổ chức thi hành án vẫn chưa được phát triển đúng với mục tiêu ban đầu. Thay vào đó, tống đạt văn bản và lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, tạo lập chứng cứ là hoạt động chủ yếu. Trong tương lai, hy vọng cùng với sự lớn mạnh về quy mô cũng như chiều sâu của đội ngũ Thừa phát lại, hành lang pháp lý sẽ được mở rộng cho chức năng tổ chức thi hành án của Thừa phát lại sẽ được phát huy hơn.

Tương tự như Công chứng viên, Thừa phát lại hành nghề trong các tổ chức hành nghề là các Văn phòng Thừa phát lại, được quản lý bởi Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi Văn phòng đặt trụ sở.

Tham khảo tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619