• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi con người ngày càng ý thức rõ tầm quan trọng của việc chăm lo sức khỏe mẹ và bé sau sinh dẫn đến kéo theo các cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc mẹ và bé cũng vì thế mà đang ngày một phát triển. Trung tâm chăm sóc mẹ và bé là một loại hình dịch vụ đầy tiềm năng, đang được nhiều người trẻ hướng đến. Tuy nhiên để thành lập được mô hình này, không phải chủ đầu tư nào cũng nắm rõ quy trình, thủ tục mở cơ sở thực hiện dịch vụ chăm sóc mẹ và bé. Thông qua bài viết này, Luật sư Thông hy vọng Quý khách hàng sẽ hiểu rõ hơn những thông tin về thủ tục thành lập trung tâm chăm sóc mẹ và bé theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khái niệm về trung tâm chăm sóc mẹ và bé

Trung tâm chăm sóc mẹ và bé thuộc cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà theo Điểm đ, Khoản 3, Điều 33 Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh sẽ giúp các bà mẹ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và giúp bé phát triển toàn diện, bên cạnh đó còn tiết kiệm thời gian, thủ tục đơn giản và hiệu quả tương đương như chăm sóc trong một bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên môn.

Các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé nổi bật như:

  • Dịch vụ chăm sóc massage bầu: giúp mẹ bầu giảm căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, đau nhức mỏi lưng hông, cổ vai gáy, chuột rút, phù nề, chăm sóc da mặt từ cơ bản đến chuyên sâu, nuôi dưỡng làn da khỏe khoắn, tạo cảm giác thoải mái cho các bà mẹ.
  • Dịch vụ chăm sóc sau sinh: giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ, mang đến nguồn sữa dồi dào cho bé và nhanh chóng phục hồi được cơ thể thông qua liệu trình của những người có chuyên môn và có nền tảng kiến thức y khoa vững chắc.
  • Dịch vụ tắm và massage cho trẻ sơ sinh: massage đúng kỹ thuật của Bộ Y tế để tránh táo bón, kích thích phản xạ tốt hơn, giúp cơ thể bé thư giãn, tăng cường hệ miễn dịch, cứng cáp dẻo dai. Bé được vệ sinh sạch sẽ cơ thể, tay chân, bộ phận sinh dục, tránh các bệnh viêm nhiễm.
  • Dịch vụ bơi thủy liệu: là những hoạt động nhằm kích thích bé phát triển toàn diện cơ thể khi bé nổi trên mặt nước một cách tự nhiên nhất. Float thủy liệu giúp hệ xương khớp của bé trở nên cứng cáp. Khi được tiếp xúc dưới môi trường nước sẽ rèn luyện tính tự tin, bạo dạn cho bé sau này.
Thủ tục thành lập trung tâm chăm sóc mẹ và bé
Thủ tục thành lập trung tâm chăm sóc mẹ và bé

Điều kiện thành lập trung tâm chăm sóc mẹ và bé

Thứ nhất, khi muốn thành lập trung tâm chăm sóc mẹ và bé thì phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Bởi lẽ, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé thuộc một trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Trong khi đó dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà không thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, cụ thể:

“Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”

Thứ hai, cơ sở chăm sóc mẹ và bé thuộc trường hợp cơ sở dịch vụ y tế theo Điểm b Khoản 7 Điều 22 Nghị định 155/2018/NĐ-CP về hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 chính thức có hiệu lực đã bãi bỏ quy định tại Điều 34 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP, và bổ sung Điều 33a về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ y tế, theo đó cơ sở dịch vụ chăm sóc mẹ và bé phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều này như sau:

Cơ sở vật chất

  • Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động);
  • Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
  • Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

Thiết bị y tế

  • Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

Nhân sự

  • Các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cung cấp các dịch vụ như chăm sóc mẹ và bé thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 45 tháng;
  • Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;
  • Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.

Tóm lại, khi muốn thành lập trung tâm chăm sóc mẹ và bé cần phải thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Hồ sơ cần chuẩn bị 

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;
  • Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà có vốn đầu tư nước ngoài;
  • Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà;
  • Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;
  • Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;
  • Tài liệu chứng minh cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
  • Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Trình tự, thủ tục thành lập trung tâm chăm sóc mẹ và bé

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đã nêu trên và nộp hồ sơ cho Sở Y tế nơi trung tâm đặt trụ sở.

Bước 2: Sở Y tế tiếp nhận và gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại mẫu số 09 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP cho người đề nghị mở trung tâm chăm sóc mẹ và bé.

Bước 3: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Y tế sẽ xem xét thẩm định hồ sơ và thẩm định tại cơ sở để cấp giấy phép hoạt động:

  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì Sở Y tế ra văn bản thông báo cho cơ sở xin cấp giấy phép hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian giải quyết thủ tục sẽ tính từ ngày nhận đủ hồ sơ bổ sung.
  • Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Y tế thành lập đoàn thẩm định và tiến hành thẩm định tại trung tâm chăm sóc mẹ và bé để cấp giấy phép hoạt động.
  • Nếu không cấp giấy phép hoạt động, Sở Y tế sẽ trả lời bằng văn bản và nêu lý do.

Bước 4: Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho trung tâm chăm sóc mẹ và bé.

Trên đây là nội dung bài viết Thủ tục thành lập trung tâm chăm sóc mẹ và bé. Để biết thêm thông tin chi tiết quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây.

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619