Xuất phát từ thực trạng công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có xu hướng ngày càng tăng dẫn đến kéo theo những vấn đề pháp lý liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài nói chung cũng như ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng được đặt ra nhiều hơn. Khi cuộc hôn nhân chịu nhiều sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan dẫn đến mục đích sống bên nhau lâu dài không còn tồn tại, ý nghĩa và giá trị không còn như ban đầu thì ly hôn là giải pháp để giải phóng cho vợ chồng và các thành viên trong gia đình thoát khỏi mâu thuẫn. Tuy nhiên, thủ tục ly hôn với người nước ngoài là vấn đề khá phức tạp so với việc ly hôn với người trong nước. Vậy thủ tục ly hôn với người nước ngoài sẽ được thực hiện như thế nào? Cùng Luật sư Thông làm rõ vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Khái niệm ly hôn có yếu tố nước ngoài
Cơ sở pháp lý để chấm dứt một quan hệ hôn nhân, không còn bị ràng buộc quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng trước pháp luật bằng việc ly hôn là một bản án hoặc quyết định của Tòa án. Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có nêu rõ khái niệm về ly hôn, theo đó: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài. Như vậy, việc ly hôn giữa vợ hoặc chồng là người có quốc tịch nước ngoài thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Thông qua Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có thể hiểu rằng rằng việc ly hôn có yếu tố nước ngoài được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, Tòa án không chỉ áp dụng pháp luật Việt Nam mà Luật còn tôn trọng pháp luật nước ngoài khi giải quyết ly hôn. Đặc biệt, trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng và trường hợp giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài theo pháp luật nơi có bất động sản của vợ chồng.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài
Về thẩm quyền của Tòa án theo Quốc gia
Trước tiên, căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Như vậy, dấu hiệu quốc tịch và nơi cư trú của đương sự là những dấu hiệu để Tòa án xác định thẩm quyền đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Về thẩm quyền của Tòa án theo cấp
Theo cơ sở pháp lý tại Điều 35, Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì những trường hợp ly hôn với người nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, đối với trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết nếu việc ly hôn xảy ra giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
Về thẩm quyền của Tòa án theo vùng lãnh thổ
+ Trường hợp đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn.
Theo điểm a, khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết. Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam thì căn cứ quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.
+ Trường hợp thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Điểm h khoản 2 điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thuộc về Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn cư trú, làm việc.
Hồ sơ cần chuẩn bị để ly hôn với người nước ngoài
Đơn phương ly hôn với người nước ngoài
- Đơn khởi kiện về việc ly hôn (bản chính);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao chứng thực);
- Giấy xác nhận cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân của vợ và chồng;
- Giấy khai sinh của các con (bản sao chứng thực);
- Giấy xác nhận của chính quyền địa phương ở Việt Nam về việc bị đơn đã xuất cảnh trong trường hợp bị đơn ở nước ngoài mà không xác định được địa chỉ tại nước ngoài; hoặc tài liệu, chứng cứ chứng minh bị đơn ở nước ngoài (nếu có);
- Tài liệu, chứng cứ khác có liên quan (nếu có).
Thuận tình ly hôn với người nước ngoài
- Đơn yêu cầu v/v giải quyết công nhận thuận tình ly hôn (bản chính);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao chứng thực);
- Giấy xác nhận cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân của vợ và chồng;
- Giấy khai sinh của các con (bản sao chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có);
- Tài liệu, chứng cứ khác có liên quan (nếu có).
Lưu ý: Khi vợ & chồng đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài nhưng muốn ly hôn ở Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và cần phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp.
Trình tự, thủ tục ly hôn với người nước ngoài
Thủ tục đơn phương ly hôn với người nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đã nêu trên và nộp hồ sơ ly hôn cho Tòa án có thẩm quyền
Hồ sơ ly hôn gửi đến Tòa án có thẩm quyền theo một trong các phương thức sau:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Gửi bằng đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến qua hình thức điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Tòa án nhận, xem xét hồ sơ và thụ lý đơn khởi kiện
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo, Tòa án tiến hành kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa sẽ thông báo nộp tạm ứng án phí. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận thông báo này, người khởi kiện phải đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để nộp tạm ứng án phí và nộp cho TAND biên lai tiền tạm ứng án phí. Tòa án thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Nếu trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ thì Thẩm phán sẽ yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hoặc Thẩm phán sẽ quyết định chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện được biết nếu thuộc trường hợp nộp đơn khởi kiện sai thẩm quyền của Tòa án.
Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán nêu trên sẽ được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện bằng văn bản.
(Căn cứ theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
Bước 3: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án sẽ tiến hành tổ chức các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Ở giai đoạn này, Thẩm phán sẽ tiến hành các bước theo khoản 2 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 sau như sau:
- Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
- Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
- Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
+ Đối với trường hợp hòa giải thành, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và quyết định này có hiệu lực ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
+ Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong trường hợp hòa giải không thành mà vụ án không thuộc các trường hợp đình chỉ hoặc tạm đình chỉ.
Bước 4: Tòa án tiến hành mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết ly hôn đơn phương.
Xét thấy có căn cứ về việc vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn.
Khi hết thời hạn kháng cáo của các đương sự và hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát (sau 30 ngày) mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị thì bản án ly hôn sơ thẩm sẽ có hiệu lực. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, nếu đương sự không đồng ý với bản án ly hôn thì vẫn có quyền kháng cáo.
Thủ tục thuận tình ly hôn với người nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đã nêu trên và nộp hồ sơ ly hôn cho Tòa án có thẩm quyền
Hồ sơ ly hôn gửi đến Tòa án có thẩm quyền theo một trong các phương thức sau:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Gửi bằng đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến qua hình thức điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Tòa án nhận, xem xét và thụ lý đơn yêu cầu
Sau khi nhận đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo, Tòa sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét và xử lý tùy theo từng trường hợp như sau:
- Khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa sẽ thông báo nộp tạm ứng án phí. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận thông báo này người yêu cầu phải đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để nộp tạm ứng án phí và nộp cho TAND biên lai tiền tạm ứng án phí. Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu đã nộp lệ phí.
- Nếu đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Tòa án có quyền trả lại đơn yêu cầu cho người nộp đơn đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 364 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Bước 3: Tòa án mở phiên họp công khai để hòa giải và giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Theo điểm a khoản 2 Điều 476 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn mở phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng.
Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Khoản 3 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định trong trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.
Bước 4: Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Căn cứ theo khoản 4 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
- Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
- Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực ngay và không thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đến Tòa án. Như vậy, quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực.
Để biết thêm thông tin chi tiết về Thủ tục ly hôn với người nước ngoài quý khách vui lòng liên hệ thông tin sau:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH