Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một loại hình doanh nghiệp được áp dụng phổ biến trong đời sống kinh doanh thương mại và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Công ty TNHH MTV có cơ cấu tổ chức đơn giản và dễ điều hành hoạt động hơn do chỉ có một chủ sở hữu. Đây là loại hình doanh nghiệp mà rủi ro của chủ sở hữu cũng được kiểm soát tốt hơn do cơ chế chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ công ty trên số vốn điều lệ. Vì vậy, khi mới khởi nghiệp thì đây là một mô hình doanh nghiệp mà nhiều nhà khởi nghiệp lựa chọn. Cùng tìm hiểu thủ tục đăng ký thành lập Công ty TNHH MTV qua bài viết này.
Mục lục
Căn cứ pháp lý:
– Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2020;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp;
– Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Đặc điểm của công ty TNHH MTV
– Là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ (chủ sở hữu công ty), chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ đăng ký góp về mọi hoạt động, khoản nợ và nghĩa vụ khác của doanh nghiệp.
– Loại doanh nghiệp này không được phát hành cổ phần trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
– Công ty TNHH MTV được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Ưu nhược điểm của công ty TNHH MTV
– Ưu điểm: trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính của loại hình công ty này được giới hạn trong số vốn điều lệ mà công ty đăng ký nên chủ sở hữu Công ty TNHH MTV hạn chế được khá nhiều rủi ro. Có thể huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu. Ngoài ra, việc chỉ có một chủ sở hữu sẽ giúp cho chủ sở hữu toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến quản lý và hoạt động của doanh nghiệp. Công ty TNHH MTV có tư cách pháp nhân nên được thừa nhận là một chủ thể độc lập về mặt pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập, không phụ thuộc vào chủ thể khác.
– Nhược điểm: không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Điều này là một phần khó khăn trong việc huy động vốn lớn, trường hợp muốn huy động thêm vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức khác thì loại hình công ty này phải chuyển đổi sang loại hình Công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
Trường hợp nào nên lựa chọn thành lập Công ty TNHH MTV
– Vì tính chất rất khó khăn trong việc huy động vốn lớn nên quy mô doanh nghiệp thường là vừa và nhỏ. Do đó, loại hình doanh nghiệp này thường phù hợp với các hoạt động kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ, phổ biến như: đại lý phân phối sản phẩm nước giải khát, thức ăn chăn nuôi, phân phối vật liệu xây dựng,…
– Loại hình này cũng phù hợp với các cá nhân muốn tự chủ, độc lập trong kinh doanh, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trong tất cả hoạt động kinh doanh của bản thân và của doanh nghiệp.
– Chủ sở hữu doanh nghiệp có thể tổ chức bộ máy với việc bổ nhiệm Chủ tịch Công ty, thuê Giám đốc/Tổng giám đốc để điều hành hoạt động của doanh nghiệp.
Thủ tục đăng ký Công ty TNHH MTV:
– Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký Công ty TNHH MTV:
Theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Số lượng hồ sơ cần nộp: 01 bộ.
– Bước 2. Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Có 03 phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp gồm:
a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Hiện nay, phương thức nộp hồ sơ phổ biến là nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử lên tại trang website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/.
– Bước 3. Bổ sung, sửa đổi hồ sơ và nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
– Bước 4: Công bố thông tin doanh nghiệp
Sau khi hoàn thành hồ sơ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện việc công bố thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia. Thời hạn để thực hiện là 30 ngày tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp quá thời hạn 30 ngày mà doanh nghiệp không thực hiện việc công bố thông tin doanh nghiệp theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định của pháp luật.
Người thành lập doanh nghiệp có thể tự mình hoặc ủy quyền cho cá nhân, công ty luật khác thực hiện hoạt động đăng ký doanh nghiệp cho mình.
Đăng ký thành lập công ty TNHH MTV ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Dĩ An:
Với mong muốn hỗ trợ quý khách hàng trong việc thành lập doanh nghiệp và có những sự chuẩn bị tốt nhất trong quy cách hoạt động của doanh nghiệp, quý khách hàng cần hỗ trợ chi tiết vui lòng liên hệ Luật sư Thông qua thông tin liên hệ sau đây:
Luật sư Nguyễn Sỹ Thông
Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: 22 Đường E, Trung tâm hành chính Dĩ An, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH