• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Lý thuyết là như vậy nhưng việc lập hợp đồng ủy quyền không chỉ dừng ở việc soạn hợp đồng rồi hai bên ký, mà phải thực hiện qua thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Vậy cụ thể thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền là như thế nào? Công chứng hợp đồng ủy quyền ở đâu?

Bài viết dưới đây, Luật sư Thông xin thông tin đến Quý khách hàng những nội dung cơ bản liên quan đến thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

Hợp đồng uỷ quyền là gì?

Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa về hợp đồng uỷ quyền như sau:

Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, hợp đồng uỷ quyền sẽ gồm những đặc điểm sau đây:

  • Là sự thoả thuận của các bên về việc một bên nhân danh bên còn lại thực hiện công việc cho bên uỷ quyền.
  • Các bên thỏa thuận về việc có trả thù lao hay không.
  • Thời hạn cũng do các bên thỏa thuận. Nếu không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì thời hạn của hợp đồng là 01 năm được tính từ ngày xác lập uỷ quyền.

Công chứng hợp đồng ủy quyền có bắt buộc không?

Về việc có công chứng hợp đồng uỷ quyền hay không, hiện Bộ luật Dân sự không có quy định bắt buộc. Đồng thời, tinh thần của Điều 55 Luật Công chứng năm 2015 cũng chỉ quy định về thủ tục công chứng hợp đồng uỷ quyền mà không có yêu cầu bắt buộc đối với thủ tục này.

Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật chuyên ngành có đề cập đến việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng uỷ quyền, ví dụ:

– Uỷ quyền về việc mang thai hộ: Theo khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình, văn bản thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được công chứng. Đồng thời, nếu vợ chồng bên nhờ mang thai hộ/bên mang thai hộ uỷ quyền cho nhau thì văn bản thỏa thuận này cũng phải lập thành văn bản và công chứng.

– Đăng ký hộ tịch: Việc uỷ quyền đăng ký hộ tịch trong trường hợp phải uỷ quyền (đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con) thì phải lập thành văn bản, có chứng thực trừ trường hợp người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh chị em ruột không phải chứng thực…

Do đó, có thể thấy, công chứng hợp đồng uỷ quyền không phải là một thủ tục bắt buộc trừ một số trường hợp theo pháp luật chuyên ngành thì phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, việc công chứng hợp đồng ủy quyền sẽ là thủ tục rất quan trọng nhằm xác lập mối quan hệ giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên, làm căn cứ vững chắc khi có bất kỳ tranh chấp xảy ra liên quan đến hợp đồng ủy quyền trong tương lai.

Công chứng hợp đồng ủy quyền
Công chứng hợp đồng ủy quyền

Thủ tục công chứng hợp đồng uỷ quyền

Trình tự thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền được tiến hành như sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Các bên yêu cầu công chứng tiến hành chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo giấy tờ hướng dẫn ở mục trên và nộp hồ sơ tại tổ chức có thẩm quyền công chứng theo quy định của pháp luật.

  • Phiếu yêu cầu công chứng gồm thông tin về người yêu cầu, thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và yêu cầu công chứng.
  • Hợp đồng uỷ quyền (dự thảo nếu có).
  • Giấy tờ nhân thân của các bên (bản sao): Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng, Giấy xác nhận cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân của các bên;
  • Giấy tờ về đối tượng uỷ quyền (bản sao): Tuỳ vào từng nội dung uỷ quyền mà giấy tờ về đối tượng uỷ quyền cũng khác nhau. Ví dụ như: Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Hồ sơ cần xuất trình

Ngoài các giấy tờ cần nộp nêu trên, trong khi thực hiện uỷ quyền, sau khi Công chứng viên kiểm tra đầy đủ tính pháp lý của hợp đồng uỷ quyền, đọc cho các bên nghe nội dung của hợp đồng uỷ quyền, các bên đồng ý hết các nội dung này… thì Công chứng viên phải đối chiếu bản chính của các giấy tờ được nộp nêu trên. Do đó, khi các bên nộp các giấy tờ gì thì cũng phải xuất trình các loại giấy tờ đó để Công chứng viên đối chiếu, xem xét tính pháp lý của các giấy tờ đó.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Công chứng viên tiến hành kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ các bên yêu cầu công chứng đã nộp. Sau khi kiểm tra hồ sơ và nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý yêu cầu công chứng và ghi vào sổ công chứng.

Bước 3: Soạn thảo hợp đồng ủy quyền

Trường hợp người yêu cầu công chứng đã chuẩn bị dự thảo hợp đồng thì công chứng viên kiểm tra nội dung và hình thức của văn bản.Trường hợp trong dự thảo hợp đồng có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, nội dung của văn bản không phù hợp quy định của pháp luật, Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Nếu người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng: nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Công chứng viên soạn thảo hợp đồng.

Bước 4: Ký tên

Các bên yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho các bên cùng nghe theo đề nghị của các bên yêu cầu công chứng.

Các bên yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký xác nhận vào từng trang của văn bản đó. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ hồ sơ đã nêu ở mục trên để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký tên cụ thể vào từng trang của hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Bước 5: Nộp phí và nhận kết quả

Nộp phí theo quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền công chứng và nhận giấy hẹn trả kết quả. Nhận kết quả là hợp đồng ủy quyền đã được công chứng theo giấy hẹn.

Công chứng hợp đồng ủy quyền ở đâu?

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, công chứng hợp đồng ủy quyền được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan đại diện.

Theo đó, căn cứ Điều 42 Luật Công chứng 2014, hợp đồng ủy quyền được công chứng tại bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng) nào trên cả nước mà không phụ thuộc vào phạm vi ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Công chứng 2014, Cơ quan đại diện (bao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài) thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền theo quy định của Luật Công chứng 2014 và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao.

Ngoài ra, Căn cứ Điều 44 Luật Công chứng 2014, về nguyên tắc việc công chứng hợp đồng ủy quyền phải được tiến hành tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định được nêu sau đây, việc công chứng có thể được thực hiện ở ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng theo yêu cầu của các bên:

  • Một trong các bên là người già yếu, không đi lại được;
  • Một trong các bên đang bị tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù;
  • Một trong các bên có lý do chính đáng khác mà không thể đến trực tiếp trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Nếu thuộc một trong các trường hợp này, các bên có thể yêu cầu công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền ngoài trụ sở như công chứng tại nhà, tại trại giam,…

Khi thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền, các bên phải có mặt tại tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, trường hợp các bên không thể đến cùng một tổ chức hành nghề công chứng như một trong các bên ở nước ngoài, bị bệnh, già yếu,… thì các bên có thể tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền hai nơi theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014.

Trên đây là bài viết phân tích vấn đề liên quan đến thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Hi vọng thông qua bài viết, Quý khách hàng có thể nắm được các thông tin như khái niệm, trình tự, thủ tục, yêu cầu hồ sơ và thẩm quyền công chứng hợp đồng ủy quyền. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu, mong muốn được tư vấn và hỗ trợ về pháp lý, hãy liên hệ Luật sư Thông qua thông tin sau:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619