Vay tiền là một hoạt động rất phổ biến trong đời sống xã hội và được thể hiện dưới đa dạng nội dung, hình thức thỏa thuận khác nhau. Hầu như bất cứ ai cũng đều đã và đang tham gia vào loại giao dịch này. Giao dịch cho vay có thể thực hiện giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức, pháp nhân có kinh doanh trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng,… Tuy nhiên, trong nội dung bài viết này, xin được trình bày về một số rủi ro trong giao dịch cho vay với lãi suất cao thường được giao dịch phổ biến giữa các cá nhân với nhau.
Thực tiễn vốn đã tồn tại rất nhiều hoạt động cho vay với lãi suất cao. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của hậu Covid nên nền kinh tế đi vào khủng hoảng, kéo theo nhiều hệ quả là tài chính cá nhân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, nhiều người trước đó đã vay tiền với lãi cao thì đến nay không thể tiếp tục trả lãi hoặc không thể trả gốc theo thỏa thuận trước đó. Chính vì vậy, nhiều người cho vay đã khởi kiện người vay tiền để yêu cầu Tòa án buộc bên vay phải trả tiền cho mình. Thời gian gần đây, loại án này trở nên rất phổ biến.
Mục lục
Như vậy, rủi ro khi cho vay lãi cao là gì?
Trước hết, xin được giải thích về khái niệm “lãi cao”, thực tế trong các văn bản quy phạm pháp luật không quy định khái niệm về lãi cao, tác giả sử dụng từ ngữ này để nhằm chỉ các hợp đồng cho vay tiền với lãi suất cao hơn mức trần mà pháp luật công nhận khi các bên trong giao dịch dân sự được thỏa thuận với nhau.
Mức lãi suất trần trong giao dịch dân sự hiện nay được quy định tại khoản 1, điều 468 BLDS 2015 là 20%/năm. Nếu thỏa thuận mức lãi suất cho vay cao hơn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 9, Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 thì “số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi, số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay”. Như vậy, trường hợp một số người cho vay với lãi suất cao hơn 20%/năm thì khi xảy ra tranh chấp (con nợ không có khả năng trả nợ theo thỏa thuận) buộc phải khởi kiện thì mức lãi suất được Tòa án chấp nhận cao nhất là 20%/năm. Ngoài ra, các khoản lãi mà con nợ đã trả cho chủ nợ trước đó mà vượt quá 20%/năm cũng được trừ vào tiền nợ gốc.
Như vậy “rủi ro” ở đây là một số người chủ ý đi vay tiền từ ngân hàng hoặc một người khác với mức lãi suất hiện nay dao động là khá cao để cho người khác vay tiền với mức lãi suất cao hơn nhằm ăn chênh lệch tiền lãi. Khi con nợ không thể trả nợ, chủ nợ có thể gặp rủi ro đối với việc trả nợ cho người mà mình đã vay. Rủi ro bên cạnh đó là khi bên cho vay vay của bên thứ ba với lãi suất cao hơn 20%/năm để có tiền cho bên vay vay tiền thì khi khởi kiện, bên cho vay trong giao dịch thứ cấp sẽ được Tòa án chấp thuận với mức lãi suất tối đa 20%/năm hoặc thông thường là 10%/năm thì khi đó bên cho vay sẽ bị thiệt hại rất lớn. Bên vay sẽ chỉ phải trả cho bên cho vay với mức lãi suất tối đa là 20%/năm. Theo kinh nghiệm của tác giả trong quá trình hành nghề, nhiều bản án được Tòa án tuyên theo hướng chỉ chấp thuận cho mức lãi suất mà bên vay phải trả là 10%/năm. Thực tế này còn khiến cho bên cho vay càng thêm bị thiệt hại. Và bên vay càng có nhiều lợi thế khi có được một khoản vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại hiện nay.
Chưa kể đến, một số trường hợp do thiếu hiểu biết pháp luật cộng với lòng tham, bên cho vay đã cho bên vay vay tiền với lãi suất cao từ 100%/năm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi quy định tại điều 201 BLHS năm 2015.
Ngoài ra, trường hợp bên vay tiền không có khả năng trả nợ thì kể cả khi có bản án/quyết định của Tòa án cũng khó có thể thu hồi khoản tiền đã cho vay.
Có thể nói rằng đây là “rủi ro” hay là “những điều ngoài tính toán” của người cho vay với lãi suất cao. Thực tế, mặc dù việc vay mượn tiền lãi cao thường chủ yếu do người vay tiền có nhu cầu và tìm đến người cho vay. Nên có thể coi rằng đây là thỏa thuận giữa các bên một cách tự nguyện. Tuy nhiên, nhiều người khi tìm đến các khoản vay này họ đã lâm vào những hoàn cảnh rất khó khăn, không còn lựa chọn nào khác. Chính vì vậy, xã hội vẫn có cái nhìn định kiến về hoạt động cho vay lãi cao, lãi nặng.
Một số chú ý khi cho vay tài sản
- Lập hợp đồng và xác nhận quá trình giao dịch cho vay. Hiện nay nhiều trường hợp khi tranh chấp hợp đồng vay xảy ra, người vay tiền không thừa nhận về việc có vay tiền. Điều này, buộc người cho vay phải chứng minh mình đã thực hiện hợp đồng cho vay tiền bao gồm: lập hợp đồng (tất nhiên các bên có thể thỏa thuận miệng, tuy nhiên, lập hợp đồng bằng văn bản là an toàn hơn hết); xác nhận về việc giao nhận tiền cho vay.
- Về lãi suất, các bên chỉ nên cho vay với lãi suất thỏa thuận tối đa 20%/năm vì điều này phù hợp với quy định của pháp luật và sẽ được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.
- Sử dụng các biện pháp bảo đảm khi cho vay như: thế chấp, cầm cố tài sản,…
- Không cho vay bằng ngoại tệ vì giao dịch này không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về việc sử dụng ngoại tệ, sẽ dẫn đến việc hợp đồng vay vô hiệu và điều đó đồng nghĩa với việc các điều khoản về lãi suất cũng sẽ bị vô hiệu. Thay vào đó, hãy cho vay bằng tiền Việt Nam Đồng.
Dịch vụ luật sư có liên quan
Luật sư Thông với kinh nghiệm của mình sẽ hỗ trợ bạn trong loại giao dịch này để giảm thiểu các rủi ro:
- Tư vấn, soạn thảo hợp đồng cho vay và các điều khoản bảo đảm;
- Tham gia hòa giải, giải quyết khi các bên có tranh chấp;
- Đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn khi có tranh chấp về hợp đồng vay tiền.
Liên hệ luật sư
- Luật sư Nguyễn Sỹ Thông
- Tư vấn qua điện thoại: 0982 645 619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH