Quyền hưởng di sản theo di chúc của pháp nhân là một chế định pháp lý quan trọng được ghi nhận trong Bộ luật dân sự 2015. Thời gian gần đây, cũng có khá nhiều trường hợp được ghi nhận là chủ thể nhận thừa kế trong di chúc và băn khoăn liệu pháp nhân có được thừa kế theo di chúc như cá nhân hay không? Nếu được, trình tự, thủ tục nhận di sản của pháp nhân sẽ diễn ra như thế nào? Thông qua bài viết dưới đây, Luật sư Thông sẽ làm rõ các vấn đề được đặt ra về quyền hưởng di sản theo di chúc của pháp nhân.
Mục lục
Pháp nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc không?
Căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 609. Quyền thừa kế.
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”.
Như vậy, pháp nhân cũng là đối tượng được hưởng di sản theo di chúc. Tuy nhiên, quyền hưởng thừa kế của pháp nhân không phải là mặc nhiên, chỉ khi người để lại di sản thừa kế để lại di chúc thì pháp nhân mới được hưởng di sản thừa kế theo di chúc, đồng thời, pháp nhân phải thỏa mãn các điều kiện nhất định thì mới được hưởng quyền này.
Điều kiện để pháp nhân hưởng di sản theo di chúc
Như đã trình bày trên, để một pháp nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc, pháp nhân đó phải đáp ứng điều kiện nhất định theo quy định pháp luật hiện hành. Các điều kiện cụ thể như sau: pháp nhân phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Căn cứ Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chủ thể là người thừa kế như sau:
“Điều 613. Người thừa kế.
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”.
Như vậy, pháp nhân phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì mới được hưởng di sản theo di chúc. Trường hợp tại thời điểm mở thừa kế, pháp nhân không còn tồn tại trên thực tế, pháp nhân được đề cập đến trong di chúc để hưởng di sản theo di chúc. Trong đó, theo Điều 96 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân bị coi là chấm dứt tồn tại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Do hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức, giải thể;
- Bị tuyên bố phá sản.
Thời điểm pháp nhân chấm dứt tồn tại là thời điểm pháp nhân này bị xoá tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thủ tục nhận di sản thừa kế theo di chúc của pháp nhân
Để được nhận di sản thừa kế bằng di chúc, pháp nhân ngoài đáp ứng điều kiện nêu trên thì còn phải thực hiện công bố di chúc trước khi nhận thừa kế. Về thủ tục công bố di chúc, Điều 647 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
Người có thẩm quyền công bố di chúc, bao gồm:
- Nếu di chúc được lưu giữ tại văn phòng/phòng công chứng thì người công bố là công chứng viên của tổ chức công chứng lưu giữ hồ sơ.
- Trong di chúc có chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố. Nếu muốn từ chối thì những người thừa kế còn lại thoả thuận cử người công bố di chúc.
- Trong di chúc không chỉ định người công bố di chúc thì những người thừa kế có tên trong di chúc sẽ thoả thuận cử người công bố di chúc.
Thủ tục công bố di chúc: Hiện nay, quy định về công bố di chúc chỉ được nêu tại Điều 647 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, hướng dẫn chi tiết của thủ tục này hiện chưa được hướng dẫn cụ thể tại văn bản nào. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định về công bố di chúc được ghi nhận trong Bộ luật dân sự 2015 và thực tế khi các pháp nhân hưởng di sản thừa kế theo chúc, quy trình này diễn ra theo các bước cơ bản sau đây:
- Người để lại di sản thừa kế lập di chúc. Việc lưu giữ di chúc có thể được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc tại nơi cư trú… của người để lại di chúc.
- Tại thời điểm mở thừa kế, các chủ thể được hưởng di sản thừa kế sẽ thực hiện việc công bố di chúc và nhận thừa kế theo di chúc.
- Sau khi di chúc đã được công bố thì người công bố di chúc sẽ gửi bản sao di chúc tới tất cả những người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến di chúc đó.
- Những người có liên quan đến nội dung di chúc sẽ làm các thủ tục tiếp theo để chuyển quyền sở hữu từ di sản của người để lại di sản sang cho mình. Chẳng hạn như: di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, người được thừa kế sau khi đã nhận phần di sản thừa kế sẽ tiến hành chuyển quyền sở hữu quyền sử dụng đất được thừa kế từ người để lại di chúc sang cho mình,…(Quý khách hàng cần lưu ý: Với mỗi thủ tục đó, người thừa kế lại phải thực hiện theo trình tự và chuẩn bị các loại giấy tờ khác nhau theo quy định của pháp luật).
Dịch vụ Luật sư hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thừa kế theo di chúc
Việc hưởng di sản thừa kế theo di chúc của pháp nhân tưởng chừng như đơn giản, tuy nhiên, trên thực tế không hẳn như vậy. Ngoài việc thủ tục nhận di sản thừa kế cần trải qua nhiều bước, đôi khi, những tranh chấp không mong muốn sẽ xảy ra giữa các đồng thừa kế hoặc giữa những chỉ thể liên quan đến di chúc thừa kế. Do đó, Luật sư Thông luôn sẵn sàng đồng hành cùng với khách hàng với các lợi ích sau đây:
- Hỗ trợ quý khách hàng thực hiện thủ tục nhận di sản thừa kế theo di chúc nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo di chúc được hưởng;
- Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu di sản được thừa kế từ người để lại di sản sang người được hưởng di sản;
- Hỗ trợ quý khách hàng giải quyết các tranh chấp không mong muốn (nếu có).
Trên đây là giải đáp của Luật sư chúng tôi về thắc mắc của quý khách hàng về việc pháp nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc không? Quý khách hàng cần hỗ trợ chi tiết về các vấn đề pháp lý liên quan đến thừa kế, vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin dưới đây:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH