• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Phạt vi phạm hợp đồng là vấn đề không mới khi soạn thảo và rà soát các hợp đồng hiện nay, trong đó phải kể đến một số loại hợp đồng thông dụng hay xuất hiện điều khoản phạt vi phạm như: Hợp đồng thương mại, hợp đồng xây dựng, hợp đồng vay,…Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng phạt vi phạm không phải ai cũng nắm rõ và thực hiện chính xác khi các hợp đồng được thực thi trên thực tế và có các vấn đề liên quan phát sinh đến phạt vi phạm. Đồng thời, chế định về mức phạt vi phạm hợp đồng trong các loại hợp đồng khác nhau là không giống nhau. Do đó, thông qua bài viết này, Luật sư chúng tôi sẽ cung cấp đến quý khách hàng một số thông tin cơ bản xoay quanh chế định phạt vi phạm hợp đồng.

Vi phạm hợp đồng và phạt vi phạm hợp đồng là gì?

Vi phạm hợp đồng

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sau đây thống nhất viết tắt là “BLDS 2015”) quy định “vi phạm nghĩa vụ làm việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung nghĩa vụ”.

Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau: “vi phạm hợp đồng là một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này”.

Như vậy, kết hợp các quy định nêu trên, có thể hiểu, vi phạm hợp đồng là việc một bên trong hợp đồng hồng hoàn thành hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Vi phạm hợp đồng là việc một bên trong hợp đồng hồng hoàn thành hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật
Vi phạm hợp đồng là việc một bên trong hợp đồng hồng hoàn thành hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật

Phạt vi phạm hợp đồng là gì?

Phạt vi phạm hợp đồng là một loại trách nhiệm trong hợp đồng, đây là hình thức trách nhiệm được ghi nhận trong hợp đồng do các bên thỏa thuận.

Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng

Căn cứ khoản 1 Điều 418 BLDS 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm như sau: “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.

Như vậy, khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đối với phạt vi phạm, bên bị vi phạm chỉ được áp dụng phạt vi phạm đối với bên vi phạm khi điều khoản phạt vi phạm được ghi nhận trong hợp đồng theo sự thỏa thuận của các bên. Điều này có nghĩa là, nếu trong hợp đồng không quy định điều khoản phạt vi phạm thì bên bị vi phạm không được áp dụng phạt vi phạm mặc dù trên thực tế có hành vi vi phạm xảy ra. Cho nên, thỏa thuận phạt vi phạm ghi nhận trong hợp đồng giữa các bên là điều kiện để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng. Đây là vấn đề cần lưu ý trong quá trình soạn thảo hợp đồng.

Mức phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật hiện hành

Căn cứ pháp lý về mức phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của BLDS 2015

Mức phạt vi phạm hợp đồng được ghi nhận tại Điều 418 BLDS 2015, cụ thể như sau:

“Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

  1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
  2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
  3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.”

BLDS 2015 đã quy định một cách minh thị mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, tuy nhiên trong trường hợp luật liên quan có quy định khác, luật liên quan sẽ được áp dụng điều chỉnh mức phạt vi phạm hợp đồng (đơn cử, nếu hợp đồng thương mại có điều khoản phạt vi phạm, căn cứ quy định nêu trên, mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thương mại hiện hành).

Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm
Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm

Căn cứ pháp lý về mức phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại năm 2005

Mức phạt vi phạm hợp đồng được ghi nhận tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, cụ thể như sau:

“Điều 301. Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”

Căn cứ quy định nêu trên, mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm hoặc không cao hơn gấp 10 lần thù lao dịch vụ giám định (trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật Thương mại năm 2005). Vấn đề cần lưu ý khi áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng theo Luật Thương mại 2005 là: mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, không phải 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Mặc dù Luật Thương mại 2005 đã quy định rõ ràng, tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, vẫn có nhiều cá nhân, tổ chức nhầm lẫn khi áp dụng mức phạt vi phạm đối với giá trị hợp đồng thay vì xem xét phần giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Căn cứ pháp lý về mức phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014

Luật Xây dựng năm 2014 cũng đã quy định lý về mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng tại Điều 146, cụ thể như sau:

“Điều 146. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

  1. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác”.

Như vậy, phạt vi phạm hợp đồng xây dựng theo quy định áp dụng đối với công trình có vốn nhà nước với mức phạt vi phạm không quá 12% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Luật Xây dựng năm 2014 không quy định về mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước.

Một số kỹ năng cần có trong việc rà soát và soạn thảo hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng

  • Trong quan hệ dân sự, các bên được tự do thỏa thuận mức phạt;
  • Trong quan hệ kinh doanh thương mại, các bên bị giới hạn mức phạt theo quy định của luật có liên quan;
  • Khi rà soát hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm với mức phạt vượt quá quy định thì tùy tình huống để xử lý cho phù hợp với quy định của pháp luật;
  • Khi soạn thảo hợp đồng, đối với điều khoản phạt vi phạm hợp đồng, ngoài việc tuân thủ mức phạt vi phạm theo quy định của pháp luật, người soạn thảo cần quy định rõ thời gian thực hiện nghĩa vụ đối với phạt vi phạm.

Trên đây là thông tin về mức phạt vi phạm hợp đồng và một vài ý kiến thực tiễn liên quan đến mức phạt tối đa đối với việc vi phạm hợp đồng. Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin liên hệ dưới đây:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619