• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thất nghiệp là các loại trợ cấp mà người lao động được nhận sau khi nghỉ việc, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người lao động sẽ được nhận loại trợ cấp nào. Mặc dù đây là quyền lợi của người lao động, tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn còn nhầm lẫn giữa các loại trợ cấp này. Do đó, thông qua bài viết dưới đây, Luật sư chúng tôi sẽ phân biệt những đặc điểm cơ bản về sự khác biệt của các loại trợ cấp này theo quy định của pháp luật lao động hiện hành để giúp quý khách hàng phân biệt trợ cấp. Việc phân biệt trợ cấp sẽ dựa vào các yếu tố sau đây: Cơ sở pháp lý, đối tượng chi trả, điều kiện được hưởng, thời gian và mức lương để tính trợ cấp, mức hưởng trợ cấp và giới hạn mức trợ cấp.

Phân biệt trợ cấp thôi việc

Cơ sở pháp lý

Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Đối tượng chi trả

Người sử dụng lao động là đối tượng chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc

Để được nhận trợ cấp thôi việc, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019.
  • người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
  • Không thuộc trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
  • Không thuộc trường hợp bị sa thải (quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019).

Thời gian làm việc để tính trợ cấp

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp mất việc làm. (Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng): Trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc).

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc và giới hạn mức trợ cấp thôi việc

Cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương (Tiền TCTV (trợ cấp thôi việc) = 1/2 x Tiền lương để tính TCTV x Thời gian làm việc để tính TCTV) và không giới hạn mức hưởng trợ cấp thôi việc.

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp luật sịnh và người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên
Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp luật sịnh và người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên

Phân biệt trợ cấp mất việc làm

Cơ sở pháp lý

Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2019, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Đối tượng chi trả

Người sử dụng lao động là đối tượng chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

Điều kiện được hưởng trợ cấp mất việc làm

Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019 (do người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, người sử dụng lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã).

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. (Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng): Trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc).

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc và giới hạn mức trợ cấp mất việc làm

Cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương và không giới hạn mức hưởng tối đa.

Trợ cấp mất việc được hiểu là một khoản chi trả từ người sử dụng lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho họ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc
Trợ cấp mất việc được hiểu là một khoản chi trả từ người sử dụng lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho họ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc

Phân biệt trợ cấp thất nghiệp

Cơ sở pháp lý

Chương 6 Luật Việc làm năm 2013

Đối tượng chi trả

Cơ quan bảo hiểm xã hội là đối tượng chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013;

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm năm 2013

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (trừ các trường hợp được liệt kê tại khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm năm 2013).

Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động sau khi chấm dứt sử dụng lao động với người sử dụng lao động
Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động sau khi chấm dứt sử dụng lao động với người sử dụng lao động

Thời gian làm việc để tính trợ cấp

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thất nghiệp

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp thôi việc và giới hạn mức trợ cấp thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

*** Phân biệt trợ cấp theo quy định của pháp luật lao động là vấn đề không mới, tuy vậy, không phải ai cũng biết cách phân biệt trợ cấp một cách chính xác. Do đó, người lao động hay xảy ra tình trạng xác định nhầm loại trợ cấp mình được hưởng sau khi nghỉ việc. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp quý khách hàng phân biệt trợ cấp trong quan hệ lao động một cách nhanh chóng và chính xác.

Trên đây là một số thông tin về cách phân biệt trợ cấp trong pháp luật lao động. Quý khách hàng, đặc biệt là người lao động cần phân biệt trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia vào quan hệ lao động. Quý khách hàng cần hỗ trợ chi tiết về phân biệt trợ cấp và các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ lao động, vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin dưới đây:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

0982645619 0982645619