• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tiến hành một số thủ tục cần thiết để chính thức đi vào hoạt động. Sau đây Luật sư Thông gửi đến quý khách một số thủ tục cần làm sau khi đăng ký doanh nghiệp.

Những việc cần làm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

Khắc dấu tròn công ty

Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nội dung con dấu phải thể hiện được 02 thông tin quan trọng là tên doanh nghiệp và mã số thuế của doanh nghiệp.

Treo biển hiệu công ty

  • Theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020: “Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”. Do đó, sau khi có giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải làm bảng hiệu công ty và treo tại trụ sở chính.
  • Theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể bị xử phạt từ 30.000.000đ đến 50.000.000đ nếu không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh.

Lưu ý: Bất cứ khi nào, cán bộ thuế cũng có thể đi kiểm tra xem doanh nghiệp có hoạt động và treo biển tại trụ sở chính hay không. Nếu không thấy doanh nghiệp treo biển hiệu, cơ quan thuế có thể khóa mã số thuế của doanh nghiệp. Khi đó ngoài việc bị phạt hành chính, doanh nghiệp phải làm thủ tục mở lại mã số thuế rất phức tạp.

Những việc cần làm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp
Những việc cần làm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

Lập sổ đăng ký thành viên, đăng ký cổ đông

Doanh nghiệp phải lập sổ đăng ký thành viên đối với Công ty TNHH, sổ đăng ký cổ đông đối với Công ty Cổ phần ngay sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và lưu trữ tại trụ sở chính doanh nghiệp hoặc trung tâm lưu ký chứng khoán đối với sổ đăng ký cổ đông.

Kê khai lệ phí môn bài

Căn cứ vào Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định nộp lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:

  • Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới);
  • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh;
  • Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.

Mở tài khoản ngân hàng

  • Mở tài khoản ngân hàng không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các công việc như thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ, nộp thuế, kiểm soát dòng tiền mà quan trọng hơn cả, là các khoản chi phí của doanh nghiệp từ 20 triệu đồng trở lên bắt buộc phải được thanh toán từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp thì mới được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (theo quy định tại Thông tư 173/2016/TT-BTC và Nghị định 209/2013/NĐ-CP).
  • Doanh nghiệp có thể đăng ký mở tài khoản công ty tại bất kỳ ngân hàng thương mại nào ở Việt Nam và có thể mở nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau tùy theo nhu cầu.

Đăng ký thuế lần đầu

Sau khi doanh nghiệp nhận được Giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải soạn thảo hồ sơ khai thuế ban đầu nộp cho Chi cục thuế quản lý trực tiếp tại nơi đặt trụ sở.

Thông thường, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ phải lập một bộ hồ sơ khai thuế lần đầu để gửi lên cơ quan thuế bao gồm các giấy tờ sau:

  • Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Quyết định bổ nhiệm Giám đốc (Tổng giám đốc);
  • Quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng, người phụ trách kế toán;
  • Bản sao có chứng thực CMND/CCCD của người đại diện theo pháp luật, của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán;
  • Công văn đăng ký hình thức kế toán, chế độ kế toán và sử dụng hóa đơn;
  • Văn bản đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (nếu có tài sản cố định);
  • Giấy ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

Hoàn thiện các điều kiện về chứng chỉ, giấy phép, vốn

  • Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định doanh nghiệp có trách nhiệm phải góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập công ty.
  • Bổ sung giấy phép con đối với những ngành nghề có điều kiện trước khi chính thức đi vào hoạt động. Ví dụ như: chứng chỉ hành nghề, giấy phép an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giấy phép kinh doanh bán lẻ,…

Áp dụng hóa đơn

Căn cứ theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, đối với những cơ sở kinh doanh mới thành lập trong giai đoạn 19/10/2020 đến 30/06/2020 sẽ áp dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn giấy theo sự hướng dẫn của Cơ quan thuế chủ quản.

Theo đó, doanh nghiệp của bạn sẽ sử dụng hóa đơn theo hướng dẫn của Cơ quan thuế. Thời hạn bắt buộc 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử ngày 01/07/2022, tuy nhiên Chính phủ luôn khuyến khích doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử trước thời hạn.

Xây dựng thang lương, bảng lương

Theo Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định về Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, cụ thể:

  • Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương của mình. Đây là cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
  • Doanh nghiệp phải căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc mà pháp luật quy định.
  • Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương.
  • Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

Xây dựng và đăng ký Nội quy lao động

Theo Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về nội quy lao động như sau:

  • Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội quy về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.
  • Nội quy lao động sau khi ban hành phải được gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và thông báo đến toàn bộ người lao động, đồng thời niêm yết nội dung chính ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Xây dựng và đăng ký nội quy lao động
Xây dựng và đăng ký nội quy lao động

Lưu ý về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Khi thành lập, doanh nghiệp hãy lưu ý đến ngành, nghề kinh doanh của mình, nếu thuộc những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện và phải đảm bảo xuyên suốt trong quá trình kinh doanh của mình.

Đối với một số ngành, nghề chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh, đối với nhiều ngành, nghề thì phải cần giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện,… trước khi kinh doanh.

Một số câu hỏi thường gặp sau khi đăng ký doanh nghiệp

Những việc cần làm sau khi đăng ký doanh nghiệp?

Sau khi thành lập doanh nghiệp cần làm những việc sau: Khắc dấu tròn công ty, treo biển hiệu công ty, lập sổ đăng ký thành viên hoặc đăng ký cổ đông, kê khai lệ phí môn bài, mở tài khoản ngân hàng, áp dụng hóa đơn, xây dựng thang lương, bảng lương, nội quy lao động, hoàn thiện các điều kiện về chứng chỉ, giấy phép, vốn,… bên cạnh đó doanh nghiêp cần lưu ý về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Có bắt buộc mở tài khoản ngân hàng không?

Pháp luật hiện nay không bắt buộc doanh nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng nhưng xét theo nhu cầu thực tế thì lại cực kỳ cần thiết. Bởi tài khoản ngân hàng có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các công việc như thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ, nộp thuế, kiểm soát dòng tiền…

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019 thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài?

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài cho doanh nghiệp chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nôp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.

Doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn hay không?

Theo Điều 6 Luật Công đoàn 2012, nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn được quy định như sau

  • Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ;
  • Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Căn cứ quy định nêu trên, không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập tổ chức công đoàn. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, và người lao động có quyền lựa chọn tham gia công đoàn hoặc không.

Căn cứ pháp lý 

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Luật Quản lý thuế 2019;
  • Luật Công đoàn 2012;
  • Thông tư số 302/2016/TT-BTC;
  • Thông tư số173/2016/TT-BTC;
  • Nghị định số 209/2013/NĐ-CP;
  • Nghị định số 22/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định số 123/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định số 122/2021/NĐ-CP.

Xem thêm bài viết có liên quan

Để biết thêm thông tin chi tiết liên hệ theo thông tin sau đây

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619