Hành vi trộm cắp tài sản là hành vi bị pháp luật nói chung và Luật hình sự nói riêng nghiêm cấm, bởi đó là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác, mà quyền sở hữu là một trong những quyền cơ bản được pháp luật bảo vệ để duy trì sự ổn định và phát triển xã hội. Khi bạn đang rơi vào trường hợp phải đối mặt với nguy cơ bị buộc tội về tội trộm cắp tài sản, việc tìm kiếm một Luật sư đáng tin cậy để tư vấn, tham gia bào chữa trong quá trình tố tụng là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn giải quyết sớm những rủi ro pháp lý liên quan. Luật sư Thông sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về quy định pháp luật Việt Nam về tội trộm cắp tài sản, mức phạt cũng như thông tin về dịch vụ Luật sư qua bài viết sau đây.
Mục lục
Khái quát về tội trộm cắp tài sản
Thế nào là tội trộm cắp tài sản?
Cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản:
- 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
Có thể nhận thấy, tội trộm cắp tài sản là một tội phạm cụ thể, có cho mình đầy đủ các dấu hiệu của một tội phạm, cụ thể:
Tính nguy hiểm cho xã hội
Được biểu hiện ở chỗ người phạm tội có hành vi tác động trái pháp luật tài sản của chủ sở hữu dẫn đến việc chủ sở hữu mất quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản với giá trị nhất định.
Tính có lỗi
Lỗi là trạng thái tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi phạm tội do mình gây ra. Theo quy định của BLHS, lỗi của người có hành vi trộm cắp tài sản là lỗi cố ý. Người phạm tội trộm cắp tài sản thực hiện hành vi lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Tính trái pháp luật hình sự
Tội trộm cắp tài sản thể hiện ở việc người phạm tội thực hiện những hành vi bị Luật hình sự cấm và bảo vệ tại Điều 173 BLHS 2017.
Tính chịu hình phạt
Theo quy định của BLHS, tội trộm cắp tài sản có các hình phạt được quy định trong BLHS để áp dụng đối với người thực hiện tội phạm này là: cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn.
Theo quy định tại Điều luật này, cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản không mô tả rõ thế nào là hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, trên cơ sở khái niệm và các dấu hiệu của tội phạm, các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, có thể đưa ra khái niệm về tội trộm cắp tài sản như sau:
Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Thông thường người phạm tội lợi dụng sự mất cảnh giác của người quản lý tài sản để lấy tài sản mà người quản lý tài sản không hề biết.
Mức phạt dành cho tội trộm cắp tài sản
Vậy câu hỏi đặt ra, liệu người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản sẽ đi tù bao nhiêu năm?
Tại Điều 173 BLHS quy định 4 khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản tương ứng với mức độ phạm tội, cụ thể:
- Khung cơ bản tại Khoản 1 quy định mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Khung tăng nặng thứ nhất quy định tại khoản 2 với mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
- Khung tăng nặng thứ hai quy định tại Khoản 3 với mức hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
- Khung tăng nặng thứ ba quy định tại Khoản 4 với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm;
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Lý do cần có Luật sư bào chữa trong vụ án trộm cắp tài sản
Luật sư đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả các giai đoạn của vụ án bao gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, kháng cáo,… giúp các bên trong vụ án có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo vệ sự thật, tránh oan sai, cụ thể:
- Đối với phía bị cáo và thân nhân của bị cáo: giúp hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình để hành động đúng đắn, giúp bị cáo có thể được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất mức hình phạt phải chịu đối với hành vi phạm tội…
- Đối với bị hại: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cụ thể là quyền sở hữu tài sản và các quyền liên quan.
Khi nào nên mời Luật sư bào chữa
Pháp luật tố tụng hình sự quy định rất rõ ràng về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
- Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can;
- Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ;
- Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Có thể thấy, Luật sư bào chữa được tham gia vào các giai đoạn của vụ án bao gồm: từ khi là người bị tình nghi, bị tạm giữ, tạm giam và các giai đoạn tố tụng khác như giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử…
Mặt khác, để đảm bảo được tính khách quan, công bằng tránh tình trạng ép cung, dùng nhục hình để đưa ra những lời khai bất lợi cho phía bị can, bị cáo kéo theo oan sai thì nên có sự vào cuộc của Luật sư càng sớm càng tốt, tức là ngay từ giai đoạn điều tra để bị can, bị cáo có thể được đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Cụ thể, Luật sư được tham gia vào các giai đoạn sau đây của vụ án
Luật sư bào chữa trong giai đoạn khởi tố bị can
Trong giai đoạn này, vai trò của Luật sư bào chữa tội trộm cắp tài sản sẽ được thể hiện qua các hình thức như:
- Xác định điều kiện khởi tố đối với tội trộm cắp tài sản xem đã đủ điều kiện hay chưa?
- Kiểm tra căn cứ, thẩm quyền và trình tự khởi tố vụ án đã tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hay chưa?
Luật sư bào chữa trong giai đoạn điều tra
Tội trộm cắp tài sản có thời hạn điều tra được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể: Thời hạn điều tra vụ án về tội trộm cắp tài sản là 4 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Trong những trường hợp cần gia hạn điều tra thì có thể gia hạn 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng. Nếu thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần nữa không quá 4 tháng.
Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giam để điều tra, theo đó: bị can có thể bị tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, đối với tội trộm cắp tài sản thì thời hạn đó là 4 tháng. Thời hạn tạm giam có thể được gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng. Trong suốt quá trình điều tra cũng như tạm giam đó, luật sư sẽ thực hiện vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can bằng cách:
- Thu thập các chứng cứ có giá trị cho phía thân chủ của mình;
- Tham gia vào quá trình hỏi cung, kịp thời phát hiện và ngăn chặn nếu xuất hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp như ép cung hoặc sử dụng nhục hình…
- Kiến nghị với cơ quan điều tra về việc thay đổi biện pháp ngăn chặn theo đúng quyền hạn đã nêu tại khoản 1 Điều 347 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (chuyển từ tạm giam sang bão lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh…), triệu tập người làm chứng để lấy lời khai, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Luật sư bào chữa trong giai đoạn truy tố vụ án
Ngay sau khi cơ quan điều tra đã hoàn thành việc điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát. Viện kiểm sát sẽ có quyết định truy tố trước Toà án, hoặc trả hồ để điều tra bổ sung, hoặc đình chỉ/tạm đình chỉ vụ án, bị can, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 30 ngày. Trong giai đoạn này, Luật sư có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án và đưa ra đề xuất, kiến nghị với viện kiểm sát nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Một trong số đó có thể là:
- Kiến nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: chuyển sang tội danh nhẹ hơn hoặc sang khung hình phạt nhẹ hơn, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
- Kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.
- Kiến nghị để đình chỉ vụ án.
Luật sư bào chữa trong giai đoạn xét xử
Đối với vụ án về tội trộm cắp tài sản, theo đúng tinh thần của Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Toà án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ/đình chỉ vụ án 3 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 30 ngày. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
Trong giai đoạn này, Luật sư sẽ tìm hướng bào chữa tội trộm cắp tài sản cho thân chủ của mình bằng cách:
- Nghiên cứu hồ sơ, thống nhất với thân chủ hướng bào chữa;
- Trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng về các vấn đề như yêu cầu thu thập thêm chứng cứ, xác định tội danh trộm cắp tài sản, đảm bảo sự có mặt của các bên có liên quan tại phiên tòa…
- Chuẩn bị bản luận cứ, kế hoạch hỏi – đáp để tranh luận tại phiên tòa.
Luật sư bào chữa trong giai đoạn kháng cáo
Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà sẽ phải chờ đợi xem bản án có bị đương sự kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị hay không.
Theo quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về thời hạn kháng cáo của đương sự là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết. Nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án mới có hiệu lực pháp luật.
Trong giai đoạn kháng cáo bản án, Luật sư vẫn có thể tiếp tục bào chữa bằng cách:
- Tư vấn cho thân chủ của mình về quyền, thời hạn, phạm vi, hậu quả của việc kháng cáo;
- Hướng dẫn hoặc đại diện thân chủ thực hiện thủ tục kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy đối với những bị truy tố về tội trộm cắp tài sản việc tham gia hỗ trợ của Luật sư bào chữa nhằm bảo vệ cho những đối tượng “bị tình nghi phạm tội” là hết sức quan trọng, nếu không cẩn trọng thì khoảng cách giữa phạm tội và vô tội sẽ càng bị thu hẹp. Như vậy, việc tìm kiếm sớm cho mình một Luật sư bào chữa uy tín, chuyên nghiệp có thể đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ một cách tối ưu nhất.
Để được tư vấn, hỗ trợ vui lòng liên hệ Luật sư qua hình thức sau đây:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH