• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Kết hôn trái pháp luật. Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành không chấp nhận chế độ đa thê, đa phu bởi lẽ bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ, đồng thời, vợ chồng có trách nhiệm chung thủy với nhau và cùng thực hiện các chức năng của gia đình và nghĩa vụ đối với con cái, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Tuy vậy, trên thực tế, hiện nay vẫn tồn tại các trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ. Điều này không chỉ vi phạm vấn đề đạo đức mà còn chịu các chế tài của pháp luật. Thông qua bài viết dưới đây, Luật sư Thông xin cung cấp đến quý khách hàng những thông tin và hướng xử lý của pháp luật đối với trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ.

Trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ và quy định của pháp luật hiện hành

Nam, nữ khi muốn xác lập quan hệ vợ chồng hợp pháp phải tuân theo các điều kiện nhất định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (sau đây viết tắt là LHN&GĐ 2014), điều kiện kết hôn được ghi nhận như sau:

  • Điều kiện về độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
  • Sự tự nguyện: Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.
  • Không bị mất năng lực hành vi dân sự.
  • Không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của LHN&GĐ 2014, cụ thể là:
  • + Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
  • + Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
  • + Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
  • + Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Khi việc xác lập quan hệ vợ chồng mà các bên vi phạm một trong các điều kiện trên, hành vi này là hành vi kết hôn trái pháp luật căn cứ khoản 6 Điều 3 LHN&GĐ 2014, cụ thể như sau: Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

Trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ đã vi phạm điểm b khoản 2 Điều 5 LHN&GĐ 2014. Như vậy, kết hôn với người đang có vợ/chồng là một trong những trường hợp kết hôn trái pháp luật theo quy định hiện hành.

kết hôn với người đang có vợ/chồng là một trong những trường hợp kết hôn trái pháp luật theo quy định hiện hành
Kết hôn với người đang có vợ/chồng là một trong những trường hợp kết hôn trái pháp luật theo quy định hiện hành

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ

Căn cứ khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (sau đây thống nhất viết tắt là BLTTDS 2015), Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Cụ thể, về lãnh thổ, Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật xảy ra sẽ là Tòa án có thẩm quyền giải quyết (quy định tại điểm g khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015). Ngoài ra, chủ thể có thẩm quyền yêu cầu cũng có thể yêu cầu Tòa án nơi cư trú của một trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật để giải quyết (điểm b khoản 2 Điều 40 BLTTDS 2015).

Như vậy, chủ thể có thẩm quyền yêu cầu xử lý đối với trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ có thể gửi đơn yêu cầu đến: Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật hoặc Tòa án nơi cư trú của một trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật.

Căn cứ hủy việc kết hôn trái pháp luật trong trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ

Căn cứ hủy việc kết hôn trái pháp luật trong trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ là việc người tham gia vào việc kết hôn đang trong tình trạng có vợ hoặc có chồng, nhưng bằng các phương pháp khác nhau, lại tiến hành đăng ký kết hôn với người khác. Như vậy, chủ thể tham gia vào việc kết hôn đã vi phạm điểm d khoản 2 Điều 8 LHN&GĐ 2014.

Chủ thể có thẩm quyền yêu cầu Tòa án xử lý đối với trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ

Căn cứ khoản 2 Điều 10 LHN&GĐ 2014, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật (trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ), bao gồm:

  • Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

Ngoài ra, khi phát hiện việc người đã có vợ/chồng lại tiến hành việc kết hôn với người khác, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác (ngoài các cá nhân, tổ chức đã phân tích trên) cũng có quyền đề nghị yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật (khoản 2 Điều 10 LHN&GĐ 2014).

Hậu quả pháp lý

Không giống như hậu quả pháp lý khi vợ chồng hợp pháp tiến hành thủ tục ly hôn, việc hủy kết hôn trái pháp luật trong trường hợp kết hôn với người đang có vợ/chồng, các chủ thể trong trường hợp này sẽ gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi hơn. Có bốn vấn đề được đặt ra và giải quyết như sau:

  • Về quan hệ nhân thân: hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng (khoản 1 Điều 12 LHN&GĐ 2014).
  • Về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con: được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn (khoản 2 Điều 12 LHN&GĐ 2014).
  • Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên: giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập (khoản 3 Điều 12 LHN&GĐ 2014).
  • Về quan hệ cấp dưỡng: không bắt buộc, nếu hai bên tự nguyện thực hiện việc cấp dưỡng thì pháp luật không cấm.

Một số trường hợp lưu ý

Không phải mọi trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ đều sẽ dẫn đến hậu quả buộc chấm dứt quan hệ như vợ chồng. 02 trường hợp sau đây là ngoại lệ:

Trường hợp 1: Căn cứ khoản 2 Điều 11 LHN&GĐ 2014, trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của LHN&GĐ 2014 và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của LHN&GĐ 2014.

Trường hợp 2: Nếu thuộc trường hợp cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ lấy chồng ở miền Bắc thì xử lý theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/02/1978 của Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, hiện nay, trường hợp này khá hiếm.

Trên đây là những thông tin cơ bản và hướng xử lý của pháp luật về trường kết hôn với người đã có chồng/vợ. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp quý khách hàng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi rơi vào trường hợp như vậy hoặc là một bên vợ/chồng của người có hành vi kết hôn với người khác khi đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Không phải mọi trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ đều sẽ dẫn đến hậu quả buộc chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
Không phải mọi trường hợp kết hôn với người đã có chồng/vợ đều sẽ dẫn đến hậu quả buộc chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Tại sao cần sử dụng dịch vụ tư vấn tại Luật sư Thông để giải quyết trường hợp khi một bên vợ/chồng của bạn kết hôn với người khác trong khi quan hệ vợ chồng hợp pháp của bạn vẫn còn tồn tại?

Do tính chất của thủ tục yêu cầu hủy hôn trái pháp luật khá phức tạp, đồng thời, sự xuất hiện của người thứ ba trong quan hệ vợ chồng sẽ gây những bất lợi không mong muốn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, nếu không có sự tư vấn từ những Luật sư có chuyên môn cao trong lĩnh vực Hôn nhân gia đình thì quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ hôn nhân rất dễ bị tổn hại. Luật sư Thông luôn sẵn sàng đồng hành cùng quý khách hàng với niềm tin, uy tín, chất lượng.

Để được trao đổi trực tiếp với Luật sư Thông, khuyến nghị Quý khách hàng liên hệ trực tiếp với Luật sư tại địa chỉ: 02 Tagore, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh nhằm được đạt được sự thống nhất hướng giải quyết, cũng để phía Luật sư có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, xem xét kỹ càng và đưa ra lời tư vấn khả quan nhất, bảo vệ tối đa lợi ích khách hàng.

Liên hệ Luật sư:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619