• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường xảy ra khi hợp đồng có giá trị lớn, nhất là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên mâu thuẫn tranh chấp quyền và nghĩa vụ tham gia trong hợp đồng.

Luật sư Thông với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, hợp đồng mua bán sẽ tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa cũng như đề ra các phương thức thương lượng, hòa giải nhanh và chính xác để cá nhân và doanh nghiệp hạn chế nhất thời gian, chi phí giải quyết.

Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa

  • Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa chủ yếu là thương nhân. Điều này xuất phát từ yêu cầu điều kiện chủ thể của hoạt động thương mại nên các bên chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa phải là thương nhân hoặc trong một số trường hợp thì bên bán là thương nhân. Đây là điểm khác biệt với chủ thể hợp đồng mua bán tài sản trong dân sự;
  • Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hàng hóa bao gồm: Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai, những vật gắn liền với đất đai;
  • Mục đích chủ yếu của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa là sinh lợi. Đặc điểm này xuất phát và gắn liền với đặc điểm về chủ thể chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hóa là thương nhân;
  • Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

Các loại tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp hiện nay

Tranh chấp hợp đồng mua bán thường xảy ra với các nội dung tranh chấp như sau:

  • Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán;
  • Bên bán giao hàng chậm;
  • Bên bán giao hàng không đúng chủng loại, số lượng như đã cam kết trong hợp đồng hai bên kí kết;
  • Bên bán vi phạm các điều kiện về thời điểm chuyển giao hàng hóa;
  • Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng;
  • Mô tả hàng hóa không rõ ràng.

Nguyên nhân xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng

  • Do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng mua bán hàng hóa;
  • Do ý chí chủ quan của các chủ thể trong hợp đồng (cố tình không thực hiện các giao kết trong hợp đồng dẫn tới bên bị vi phạm buộc phải khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi);
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì tranh chấp phát sinh ngoài những nguyên nhân trên còn do: năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mai quốc tế.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng

  • Các sự kiện bất khả kháng xảy ra ngẫu nhiên trong thực tế sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng;
  • Sự biến động của những yếu tố như giá cả, tỷ giá, cung cầu của mỗi quốc gia là khác nhau ở mỗi giai đoạn ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp;
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, ngoài những nguyên nhân khách quan trên có thể kể đến các nguyên nhân sau: hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng liên quan đến ít nhất hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia, ngoài ra còn có thể liên quan đến tập quán quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên ký kết lại không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký kết hợp đồng dẫn đến việc ký kết hợp đồng không đúng, không đầy đủ dẫn đến làm phát sinh tranh chấp.

Những phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

  • Thương lượng giữa các bên;
  • Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải;
  • Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.

Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Tòa án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Tòa án do pháp luật quy định.

Giải quyết tranh chấp mua bán hàng hóa
Những phương thức giải quyết tranh chấp mua bán hàng hóa

Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng

Các bên tự thương lượng với nhau để tìm phương án giải quyết tốt nhất. Tuy nhiên, phương thức này không yêu cầu cam kết pháp lý về việc tuân thủ kết quả thương lượng. Do đó, không loại trừ rủi ro có bên cố ý không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận thương lượng.

Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh.

Trường hợp lựa chọn bên thứ ba là tổ chức hòa giải thì thủ tục được thực hiện theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, tổ chức hòa giải cũng không có chức năng tài phán để ràng buộc các bên tuân thủ theo kết quả hòa giải.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.

Căn cứ theo Luật Trọng tài thương mại 2010 và Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn, việc lựa chọn Trọng tài phải lưu ý:

  • Không thể đồng thời yêu cầu Tòa án và Trọng tài cùng thụ lý giải quyết một tranh chấp;
  • Phán quyết của Trọng tài không bị kháng cáo hay kháng nghị để xét lại theo thủ tục phúc thẩm như tố tụng Tòa án;
  • Phán quyết trọng tài có thể bị Tòa án hủy bỏ theo một trong các căn cứ tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010;
  • Phải tồn tại Thỏa thuận trọng tài: theo hợp đồng hoặc theo sự thống nhất của các bên;
  • Thỏa thuận trọng tài có thể bị vô hiệu theo một trong các trường hợp tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực Nhà nước được Tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ. Các phán quyết có hiệu lực của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án có một số đặc điểm sau:

  • Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
  • Phán quyết của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định;
  • Phán quyết của Tòa án bằng bản án, quyết định nhân danh ý chí quyền lực Nhà nước và được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh của quyền lực Nhà nước;
  • Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ thông qua hai cấp xét xử của Tòa án: cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền, lợi ích của các bên bằng thẩm quyền của mình Tòa án có thể thực hiện theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm để xem xét lại các bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Trường hợp hợp đồng không có yếu tố nước ngoài: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài thương mại.

Trường hợp hợp đồng có yếu tố nước ngoài: theo khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp xác lập, theo đó:

  • Cần xem xét liệu có hiệp định tương trợ tư pháp nào giữa các nước của hai bên tranh chấp không và quy định của hiệp định về vấn đề này như thế nào. Tùy hiệp định tương trợ mà thẩm quyền giải quyết được xác định là Tòa án Việt Nam hay là nước ngoài;
  • Tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam, căn cứ theo Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
  • Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đối với các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.

Một số câu hỏi thường gặp khi giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Có thời hạn khi thực hiện việc khiếu nại tranh chấp hợp đồng mua bán hay không?

Câu trả lời là có. Căn cứ theo quy định tại Điều 318 Luật Thương mại 2005 về thời hạn khiếu nại, cụ thể thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thỏa thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:

  • Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hóa;
  • Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hóa; trong trường hợp hàng hóa có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;
  • Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.

Mua bán hàng hóa là gì?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005 thì Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

Pháp luật quy định về việc buộc thực hiện đúng hợp đồng như thế nào?

Điều 297 Luật Thương mại 2005 quy định về việc buộc thực hiện đúng hợp đồng như sau:

  • Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.
  • Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên vi phạm.
  • Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hóa, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.
  • Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
  • Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư Thông về giải quyết tranh chấp mua bán hàng hóa, để biết thêm thông tin chi tiết, quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại0395683860
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619