Trong thời buổi nền kinh tế đang chịu những suy thoái nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến buộc phải thực hiện thủ tục không mong muốn: phá sản doanh nghiệp. Thủ tục phá sản doanh nghiệp thật sự không đơn giản, đây là một quy trình phức tạp và đòi hỏi doanh nghiệp trải qua nhiều giai đoạn. Do đó, nhằm hỗ trợ quý khách hàng nắm được cơ bản về điều kiện và thủ tục trong trường hợp buộc phải thực hiện phá sản doanh nghiệp, Luật sư chúng tôi xin gửi đến quý khách hàng một số thông tin cơ bản thông qua bài phân tích dưới đây.
Mục lục
Điều kiện để doanh nghiệp được công nhận là phá sản
Căn cứ Điều 214 Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, phá sản được hiểu là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Kết hợp 2 quy định nêu trên, để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 02 điều kiện sau đây:
Thứ nhất, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Trong đó, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bao gồm 02 trường hợp:
- Trường hợp 1: Không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;
- Trường hợp 2: Có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.
Thứ hai, doanh nghiệp Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.
Thủ tục phá sản doanh nghiệp
Chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Căn cứ Điều 5 Luật Phá sản 2014, nhóm chủ thể sau đây có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp:
- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán;
- Người lao động, công đoàn;
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên…;
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán;
- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Như vậy, chỉ những đối tượng thuộc nhóm chủ thể được ghi nhận trong Luật Phá sản 2014 và đáp ứng các điều kiện nhất định theo luật định mới có thể tiến hành nộp đơn xin phá sản doanh nghiệp. Vì vậy, trong trường hợp có mong muốn mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, quý doanh nghiệp và khách hàng cần lưu ý về điều kiện chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu để thủ tục diễn ra nhanh chóng.
Thủ tục phá sản doanh nghiệp
Trình tự thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp được hướng dẫn chi tiết tại Luật Phá sản, bao gồm các bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp
Chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan (được ghi nhận tại Điều 5 Luật Phá sản 2014) mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Phương thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được hướng dẫn chi tiết tại Điều 30 Luật Phá sản 2014. Theo đó, người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân;
- Gửi đến Tòa án nhân dân qua bưu điện.
Bước 2: Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:
Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định của Luật phá sản 2014 thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn;
Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác, chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Một số trường hợp, Tòa án sẽ trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Bước 3: Tòa án thụ lý đơn đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp
Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.
Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn).
Bước 4: Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn)
Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Bước 5: Triệu tập Hội nghị chủ nợ
+ Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất.
Hội nghị chủ nợ được coi là tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu không đáp ứng sẽ bị hoãn và phải mở hội nghị lần 02.
+ Hội nghị chủ nợ lần thứ hai.
Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra một trong các kết luận sau:
- Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;
- Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;
- Đề nghị tuyên bố phá sản.
Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
- Thanh lý tài sản phá sản;
- Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.
Lệ phí phá sản
Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là khoản tiền mà người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp để Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án nhân dân. (Quý khách hàng tham khảo thêm Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án).
Trường hợp người nộp đơn không phải nộp lệ phí phá sản: trường hợp thuộc khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật Phá sản 2014
Thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp bị phá sản
Căn cứ Điều 54 Luật Phá sản 2014, thứ tự phân chia tài sản khi Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản như sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân.
Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán các chi phí theo quy định thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Trên đây là toàn bộ quy trình về thủ tục phá sản doanh nghiệp. Quý khách hàng cần hỗ trợ chi tiết vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin dưới đây:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH