• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Địa giới hành chính là gì? Giải quyết tranh chấp địa giới hành chính như thế nào? Cùng Luật sư Thông làm rõ vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Khái niệm địa giới hành chính

Địa giới hành chính là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới, là cơ sở pháp lý phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Mốc địa giới hành chính được cắm ở những nơi dễ thấy trên thực địa và được biểu thị đầy đủ trên bản đồ địa giới hành chính.

Về việc điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc thẩm quyền của Quốc hội, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Hiện nay nước ta được chia thành 4 cấp hành chính là: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Giữa các đơn vị hành chính các cấp này đều có ranh giới được thực hiện bằng các mốc địa giới có tọa độ của vị trí các mốc đó.

Cơ sở pháp lý về địa giới hành chính

Theo khoản 1, 2 Điều 29 Luật đất đai 2013 quy định về địa giới hành chính như sau:

1. Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

2. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính trên thực địa tại địa phương, trường hợp mốc địa giới hành chính bị mất, xê dịch hoặc hư hỏng phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Địa giới hành chính là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới
Địa giới hành chính là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới

Hồ sơ địa giới hành chính

Hồ sơ địa giới hành chính được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 29 Luật đất đai năm 2013 như sau:

Hồ sơ địa giới hành chính bao gồm tài liệu dạng giấy, dạng số thể hiện thông tin về việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.

Hồ sơ địa giới hành chính cấp dưới do Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp xác nhận, hồ sơ địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Nội vụ xác nhận.

Hồ sơ địa giới hành chính cấp nào được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp đó và Ủy ban nhân dân cấp trên, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hồ sơ địa giới hành chính là hồ sơ phục vụ quản lý Nhà nước đối với địa giới hành chính, gồm 9 loại giấy tờ sau đây:

  • Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập đơn vị hành chính hoặc điều chỉnh địa giới hành chính (nếu có);
  • Bản đồ địa giới hành chính;
  • Sơ đồ các mốc địa giới hành chính;
  • Bảng tọa độ các mốc địa giới hành chính, các điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính;
  • Bản mô tả tình hình chung về địa giới hành chính;
  • Biên bản xác nhận về đường địa giới hành chính;
  • Phiếu thống kê và các yếu tố địa lý có liên quan đến địa giới hành chính;
  • Biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính;
  • Thống kê các tài liệu về địa giới hành chính của đơn vị hành chính cấp dưới.

Giải quyết tranh chấp địa giới hành chính

Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về sự phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:

a) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định;

b) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.

Như vậy, UBND của các đơn vị hành chính cùng phối hợp giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, trường hợp không đạt được sự thống nhất hoặc kết quả giải quyết tranh chấp làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết như sau:

Đối với tranh chấp địa giới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Chính phủ trình phương án giải quyết, Quốc Hội quyết định phê duyệt hoặc yêu cầu điều chỉnh.

Đối với tranh chấp địa giới cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn Chính phủ trình phương án giải quyết, UBTVQH quyết định phê duyệt hoặc yêu cầu điều chỉnh.

Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết
Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết

Một số câu hỏi liên quan về địa giới hành chính

Mốc địa giới là gì?

Mốc địa giới là các điểm đánh dấu đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính theo địa giới hành chính. Mốc địa giới hành chính theo địa giới hành chính là cơ sở pháp lý phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong xác định địa giới hành chính là gì?

  • Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước.
  • Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.
  • Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính trên thực địa tại địa phương. Trường hợp mốc địa giới hành chính bị mất, xê dịch hoặc hư hỏng phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân cấp huyện.
  • Bộ trưởng Bộ nội vụ quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
  • Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp. (Điều 29 Luật Đất đai 2013).

Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính được thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật Đất đai 2013 việc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính được thực hiện như sau:

“Điều 31. Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính

  1. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
  2. Việc chỉnh lý bản đồ địa chính được thực hiện khi có sự thay đổi về hình dạng kích thước diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính.
  3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, chỉnh lý và quản lý bản đồ địa chính trong phạm vi cả nước, điều kiện hành nghề đo đạc địa chính.
  4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc lập, chỉnh lý và quản lý bản đồ địa chính ở địa phương.”

Điều chỉnh địa giới hành chính là gì?

Điều chỉnh địa giới hành chính là cụm từ thường được dùng chung cho việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính của cấp có thẩm quyền. Đây là việc làm thay đổi ranh giới về đất giữa các đơn vị hành chính.

Việc điều chỉnh địa giới hành chính phải đảm bảo các điều kiện gì?

Căn cứ vào Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về nguyên tắc, thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính thì việc điều chỉnh địa giới hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

  • Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  • Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và của từng địa phương;
  • Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  • Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;
  • Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của Luật này phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.

Trên đây là một số vấn đề về địa giới hành chính và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ Luật sư qua cách thức sau để được hỗ trợ:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

0982645619 0982645619