(PLO)- Bảo vệ quyền con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng của luật hình sự; quyền con người được bảo vệ dưới cả hai góc độ: Người phạm tội và người bị tội phạm xâm hại.
Pháp luật hình sự có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Ngay tại Điều 1 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về nhiệm vụ của BLHS đã khẳng định bảo vệ quyền con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng của luật hình sự.
Quyền con người được bảo vệ dưới cả hai góc độ: Người phạm tội và người bị hại (người bị tội phạm xâm hại) và nó được thể hiện ở cả phần chung và phần các tội phạm của BLHS tạo thành hệ thống các quy phạm làm cơ sở cho việc bảo vệ quyền con người. Nó phù hợp với tư tưởng bảo vệ quyền con người trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Được hồi tố nếu quy định mới khoan hồng hơn đối với người phạm tội
Hiệu lực hồi tố của luật hình sự được hiểu là đạo luật hình sự được áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước khi đạo luật đó có hiệu lực thi hành. Việc không cho phép hồi tố trong BLHS một mặt thể hiện nguyên tắc pháp chế XHCN; mặt khác thông qua đó bảo vệ quyền con người, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng.
Cụ thể, Điều 2 BLHS năm 2015 quy định: “1. Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). 2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của bộ luật này mới phải chịu TNHS”.
18 tội danh còn án tử
So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã bỏ án tử ở rất nhiều tội danh và chỉ còn 18 tội danh có hình phạt cao nhất là tử hình.
Chẳng hạn: Tội giết người (Điều 123), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), tội khủng bố (Điều 299), tội tham ô tài sản (Điều 353), tội nhận hối lộ (Điều 354), tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421), tội chống loài người (Điều 422), tội phạm chiến tranh (Điều 423)… YẾN CHÂU
Khoản 1 và 2 Điều 7 BLHS năm 2015 quy định: “1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện. 2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn TNHS, loại trừ TNHS, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Các quy định trên đã khẳng định nguyên tắc bất hồi tố trong luật hình sự, thể hiện sâu sắc tinh thần bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên, cũng xuất phát từ tinh thần bảo vệ quyền con người, BLHS cũng cho phép áp dụng hồi tố luật hình sự trong trường hợp đạo luật hình sự mới khoan hồng đối với người phạm tội hơn so với đạo luật hình sự cũ. Cụ thể, khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 quy định “3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn TNHS, loại trừ TNHS, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Quy định khoan hồng này phù hợp với tư tưởng bảo vệ quyền con người trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Độ tuổi chịu TNHS và tình tiết loại trừ TNHS
Theo luật hình sự Việt Nam, chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên mới phải chịu TNHS. Trong đó phân hóa về độ tuổi cụ thể như đối với người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
Quy định về độ tuổi phải chịu TNHS tại Điều 12 BLHS thể hiện một bước tiến bộ về bảo vệ quyền con người trong pháp luật hình sự Việt Nam. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Về cách tính tuổi của người phạm tội trong luật hình sự Việt Nam trên thực tế hiện nay cũng thể hiện yêu cầu bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên. BLTTHS cũng đã quy định cách tính độ tuổi của người phạm tội theo hướng có lợi cho người phạm tội.
Các tình tiết loại trừ TNHS là những trường hợp làm cho hành vi không phải chịu TNHS. Trong BLHS năm 2015, các tình tiết loại trừ TNHS gồm: Sự kiện bất ngờ (Điều 20 BLHS), tình trạng không có năng lực TNHS (Điều 21), phòng vệ chính đáng (Điều 22), tình thế cấp thiết (Điều 23), gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24)…
Việc quy định các tình tiết loại trừ TNHS nhằm cho phép trong những hoàn cảnh đặc biệt được luật quy định, con người được tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Quy định này tạo điều kiện cho người dân tham gia rộng rãi vào quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như tham gia vào việc quản lý xã hội, quản lý nhà nước; đồng thời xác định rõ ràng trong luật hình sự ranh giới giữa tội phạm và không phải tội phạm. Những quy định này phản ánh tư tưởng bảo vệ các quyền con người thông qua biện pháp tự bảo vệ của công dân.
Quy định nhân văn về hình phạt
Điều 31 BLHS quy định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.
Như vậy, BLHS nhấn mạnh mục đích của hình phạt ngoài trừng trị người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội thì còn giáo dục cá nhân, pháp nhân thương mại tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm là mục đích chủ yếu. Mục đích của hình phạt trong luật hình sự Việt Nam hiện hành không nhằm gây đau đớn hoặc hạ thấp nhân phẩm của người phạm tội.
Đặc biệt, quy định “khi quyết định hình phạt phải căn cứ vào nhân thân của người phạm tội” (Điều 50) thể hiện tư tưởng bảo vệ quyền con người qua hai khía cạnh.
Thứ nhất, khi quyết định hình phạt phải tính đến sự phân hóa nhân thân của người phạm tội. Nếu người phạm tội có nhân thân tốt, dễ dàng cải tạo, giáo dục thì hình phạt phải nhẹ hơn so với người phạm tội có nhân thân xấu, khó cải tạo, giáo dục. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng bảo vệ quyền con người, với nguyên tắc công bằng trong luật hình sự. Trong BLHS năm 2015, sự phân hóa nhân thân của người phạm tội khi quyết định hình phạt được thể hiện rõ nét trong việc quy định các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS liên quan đến nhân thân của người phạm tội.
Thứ hai, bảo vệ quyền con người khi quyết định hình phạt phải tính đến ảnh hưởng (tác động tiêu cực) của hình phạt đến người thân của người phạm tội, đến người có liên quan khác. Trong BLHS năm 2015, khía cạnh này được thể hiện rõ nét trong quy định về hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 67, 68).
Một số đối tượng đặc biệt được thoát án tử hình
Theo Điều 40 BLHS, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội; phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên… khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Những trường hợp trên hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Các quy định này đã thể hiện sâu sắc tinh thần bảo vệ quyền con người, coi quyền được sống của con người có giá trị cao nhất. Tinh thần tiến bộ này hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Kết nối MXH