Mạc Xuân Minh dùng kinh nghiệm lâu năm của một nhân viên tư vấn bán ôtô để đi lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng.
Minh, 32 tuổi, quê Hải Phòng, đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội điều tra về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo cảnh sát, từ năm 2022 đến nay, Minh là nhân viên tư vấn bán ôtô tại ba showroom ôtô lớn tại thủ đô.
Trước việc đa số khách mua xe mới đều phải đặt cọc trước, anh ta nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền. Khi khách tới công ty xem ôtô, Minh trực tiếp đứng ra tư vấn. Nếu khách hàng đồng ý mua và ký hợp đồng, anh ta sẽ yêu cầu họ chuyển một phần tiền mua vào tài khoản cá nhân của mình rồi chiếm đoạt.
Hồi tháng 10/2022, Lưu Văn Thái, 33 tuổi, cũng bị Công an thành phố Hải Phòng khởi tố, tạm giam để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thái là nhân viên tư vấn bán hàng của một hãng xe lớn nhưng đánh bạc trực tuyến nên nợ chồng chất.
Lợi dụng mối quan hệ, “độ uy tín” lúc làm nhân viên showroom ôtô, Thái đã lừa khách hàng trực tiếp giao dịch, mua bán xe với mình. Anh ta còn tư vấn cho khách hàng mua voucher của hãng với giá thấp hơn để sử dụng.
Để dễ dàng chiếm đoạt tiền, Thái không làm hợp đồng mua bán giữa công ty và khách hàng mà đề nghị khách giao dịch trực tiếp với mình. Sau khi nhận tiền đặt cọc mua xe hoặc tiền mua voucher từ khách hàng, Thái đã chiếm đoạt.
Hiện nay khách hàng mua ôtô thường phải thông qua nhân viên bán hàng của một showroom, trừ một số trường hợp giao dịch mua bán trực tiếp xe cũ của nhau. Việc này vô hình trung trở thành kẽ hở khiến một số nhân viên xấu nảy sinh ý định lừa đảo. Cả hai vụ án trên, nghi phạm đều xuất thân từ nhân viên showroom ôtô, lấy kinh nghiệm trong quá trình làm việc để lừa chính khách hàng của họ.
Đầu tháng 3 vừa qua, anh Huy dự định mua chiếc ôtô năm chỗ giá hơn 600 triệu đồng để phục vụ gia đình 4 người sau nhiều năm tích cóp. Sau khi đăng một thông báo lên hội mua bán ôtô, Huy nhận được hàng chục cuộc gọi tư vấn của nhân viên các showroom ở Hà Nội, mời đến trực tiếp xem xe.
Sau khi cân nhắc, Huy chọn một showroom ở Mỹ Đình vì gần nhà. Đến nơi, anh được nhân viên dẫn đi tư vấn nhiệt tình về các mẫu mã, màu sắc, giá cả xe. Một điều khiến Huy phân vân là từ lúc liên lạc đến khi tới cửa hàng, anh không biết ông chủ ở đây là ai do chỉ làm việc với duy nhất một nhân viên trong bộ đồng phục trắng đen.
Cuối cùng, anh vẫn chọn mua xe của showroom này vì giá cả cạnh tranh. Trong bản hợp đồng nhân viên tư vấn mang ra, Huy thấy khách hàng sẽ ký trực tiếp với lý ủy quyền của hãng nhưng chỉ thông qua nhân viên mà không thấy đại diện công ty đâu. Anh đánh giá, kiểu ký hợp đồng như này rất dễ bị nhân viên qua mặt công ty, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Như Huy, đầu tháng 5, anh Mạnh, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, lên mạng xã hội tìm mua một ôtô cũ để phục vụ việc đi lại của gia đình. Mạnh sau đó được một nhân viên showroom chuyên ôtô cũ tư vấn, mời mua chiếc Hyundai Accen hơn 400 triệu đồng.
“Nếu đồng ý, anh phải đặt cọc 50 triệu đồng để giữ xe và chọn ngày giao xe”, nhân viên nói. Tuy nhiên anh Mạnh đang phân vân bởi tiền lại chuyển vào tài khoản cá nhân của nhân viên bán hàng, không có tài sản gì để đảm bảo.
Chủ một cửa hàng ôtô ở Hà Nội cho hay, hiện nay các showroom đều có nhân viên tư vấn bán hàng và được trả lương kèm theo “hoa hồng” dựa vào số xe bán được. Đây chỉ là bộ phận tư vấn, còn mọi giao dịch mua bán, khách hàng sẽ làm việc trực tiếp với cửa hàng, có pháp nhân đầy đủ.
Tuy nhiên, lợi dụng việc này mà nhiều người đã trực tiếp làm việc với khách hàng, đánh trúng tâm lý muốn nhận xe sớm, nhận đúng ngày đẹp để lừa đảo. Bởi vậy khi mua bán, khách hàng nên đến trực tiếp cửa hàng uy tín hoặc đại lý ủy quyền của hãng. Trước khi đặt cọc, cần tìm hiểu kỹ về pháp nhân của đơn vị bán xe.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Thịnh, Công ty Luật Fanci, cho biết theo điều 430 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng mua bán tài sản, có thể hiểu hợp đồng mua bán xe ôtô là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu ôtô cho bên mua và bên mua trả tiền theo thỏa thuận của hai bên cho bên bán.
Để không bị lừa, khách hàng cần lưu ý không thỏa thuận mua bán riêng và chuyển tiền cho cá nhân nhân viên tư vấn bởi họ chỉ là người giới thiệu sản phẩm, không có thẩm quyền quyết định việc mua bán và nhận tiền của khách hàng. Khi thanh toán tiền khách hàng nên chuyển thẳng cho kế toán hoặc tài khoản của ông ty.
Về đặt cọc, luật sư Thịnh cho rằng theo điều 328 Bộ luật Dân sự thì có thể hiểu đặt cọc mua xe là việc bên mua giao cho bên bán một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm hai bên sẽ giao kết hợp đồng mua bán.
Như vậy, lúc ký hợp đồng đặt cọc mua xe khách hàng cần lưu ý:
– Người đại diện công ty ký kết hợp đặt cọc có năng lực pháp luật (là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền), năng lực hành vi dân sự hay không.
– Cần ghi rõ đặc điểm của ôtô đã lựa chọn, giá tiền công ty bán, thời điểm ký kết hợp đồng mua bán và bàn giao xe ôtô, số tiền đặt cọc, số tiền phạt cọc và các thỏa thuận khác về ưu đãi khi mua xe (nếu có).
– Với khách hàng mua xe trả góp cần thỏa thuận rõ với bên bán rằng nếu ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng mà bên bán giới thiệu không giải ngân hoặc giải ngân không hết hạn mức khách hàng mong muốn thì hướng giải quyết sẽ ra sao, nội dung này cần ghi rõ trong hợp đồng đặt cọc. Thực tế hiện nay nhiều ngân hàng bị giới hạn hạn mức tín dụng nên nhiều khách hàng mua ôtô đã không được giải ngân từ đó dẫn đến tranh chấp với bên bán xe.
Nguồn: https://vnexpress.net/nhan-vien-showroom-oto-lua-tien-dat-coc-cua-khach-mua-oto-4605506.html
Kết nối MXH