• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Hoạt động dịch vụ ngày càng phát triển, việc ký kết các hợp đồng dịch vụ trở nên phổ biến. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẽ khó tránh khỏi việc các bên xảy ra tranh chấp. Để quý khách hàng nắm bắt được các vấn đề pháp lý xoay quanh các tranh chấp hợp đồng dịch vụ, Luật sư Thông xin trân trọng gửi đến độc giả một số thông tin sau.

Khái niệm, đối tượng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ

Khái niệm hợp đồng dịch vụ

Căn cứ Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là BLDS 2015), hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Đây là loại hợp đồng song vụ.

Đối tượng của hợp đồng dịch vụ

Căn cứ Điều 514 BLDS 2015, đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải đáp ứng ba điều kiện sau: là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ

Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ

  • Căn cứ Điều 515 BLDS 2015, bên sử dụng dịch vụ có các nghĩa vụ sau:
  • Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi;
  • Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.
  • Căn cứ Điều 516 BLDS 2015, bên sử dụng dịch vụ có quyền:
  • Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác;
  • Quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ. 

Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ

  • Căn cứ Điều 517 BLDS 2015, nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ được quy định như sau:
  • Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác;
  • Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ;
  • Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc;
  • Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;
  • Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định;
  • Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
  • Căn cứ Điều 518 BLDS 2015, quyền của bên cung ứng dịch vụ được quy định như sau:
  • Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc;
  • Thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ (nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ);
  • Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.

LƯU Ý: Pháp luật hiện hành cũng đã có quy định điều chỉnh liên quan đến các vấn đề trả tiền dịch vụ, quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ, tiếp tục hợp đồng dịch vụ tại Điều 519, Điều 520, Điều 521 BLDS 2015.

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ
Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Tranh chấp hợp đồng dịch vụ – một số vấn đề pháp lý và gợi mở

Như đã đề cập ở phần mở đầu, mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào hợp đồng dịch vụ, tuy vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẽ khó loại trừ được những rủi ro và những bất đồng của các bên xoay quanh hợp đồng này, điều đó sẽ dẫn đến tranh chấp hợp đồng dịch vụ.

Vậy tranh chấp hợp đồng dịch vụ là gì?

Tranh chấp hợp đồng dịch vụ là một loại tranh chấp hợp đồng, bao gồm những mâu thuẫn và bất đồng quan điểm giữa các bên tham gia trong hợp đồng dịch vụ liên quan đến các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Phương thức nào được áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ?

Hiện nay, có nhiều phương thức để giải quyết tranh chấp hợp đồng nói chung và giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ nói riêng. Về cơ bản, hợp đồng dịch vụ là một loại hợp đồng dân sự song vụ nên việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dịch vụ sẽ tương tự như các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự. Khoa học pháp lý hiện nay ghi nhận các phương thức giải quyết tranh chấp sau đây: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài và Tòa án.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ bằng phương thức thương lượng

  • Thương lượng là một phương thức để giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ, do hai bên trong hợp đồng tiến hành, không có sự tham gia của bên thứ ba khác.
  • Về mặt bản chất, phương thức chấm dứt tranh chấm này do các bên tự quyết định và quyết định của họ không có hiệu lực thi hành khi các bên không tự nguyện thực hiện những thỏa thuận đã thương lượng.
  • Trình tự, thủ tục thương lượng do các bên thỏa thuận.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ bằng phương thức hòa giải

  • Hòa giải cũng là một phương thức để giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ, có sự tham gia của bên thứ ba khác với các bên trong tranh chấp; bên thứ ba này được gọi là hòa giải viên – bên trung gian để tiến hành hỗ trợ các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp.
  • Tuy nhiên, hòa giải viên trong hòa giải không có quyền tài phán. Việc hòa giải khi có tranh chấp nói chung và tranh chấp hợp đồng dịch vụ nói riêng không bắt buộc phải được tiến hành tại trung tâm hòa giải.
  • Trong trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trung tâm hòa giải thương mại, trình tự, thủ tục hòa giải được điều chỉnh bởi Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ bằng phương thức Trọng tài

  • Điểm đặc biệt đối với phương thức giải quyết tranh chấp này phân biệt các phương thức giải quyết tranh chấp khác là phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài do các bên thỏa thuận. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã đưa ra khái niệm về trọng tài “là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo Luật này.” (khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010).
  • Giống với Tòa án, trọng tài có chức năng tài phán. Tuy vậy, cần phân biệt chức năng tài phán của hai cơ quan này. Đối với trọng tài, chức năng tài phán chỉ được pháp luật thừa nhận trên cơ sở thỏa thuận của các bên trong tranh chấp.
  • Trình tự tố tụng của trọng tài do luật định, tuy vậy, trình tự, thủ tục khá mềm dẻo và linh hoạt (thường đi kèm với điều kiện “trừ khi các bên có thỏa thuận khác”).
  • Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ bằng phương thức Tòa án

  • Khi có tranh chấp, các bên không tiến hành thương lượng, hòa giải hoặc tiến hành hòa giải, thương lượng nhưng không thành, và có yêu cầu giải quyết tranh chấp, lúc này, Tòa án có thẩm quyền tiến hành giải quyết. Tòa án đương nhiên có thẩm quyền đối với tranh chấp và không cần các bên thỏa thuận trao quyền cho Tòa án việc giải quyết tranh chấp.
  • Trình tự thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ bằng Tòa án do pháp luật quy định (cụ thể là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 – sau đây viết tắt là BLTTDS 2015). Về cơ bản, một tranh chấp hợp đồng dịch vụ được giải quyết thông qua Tòa án sẽ bao gồm các bước sau đây:
  • Bước 1: Nộp đơn khởi kiện.

Điều 189 BLTTDS 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện và nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

  • Bước 2: Xem xét đơn khởi kiện.

Khoản 2 Điều 191 BLTTDS 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

  • Bước 3: Thụ lý vụ án.

Quá trình thụ lý vụ án được căn cứ vào Điều 195 BLTTDS 2015.

  • Bước 4: Tiến hành hòa giải.

Nguyên tắc tiến hành hòa giải thực hiện theo Điều 205 BLTTDS 2015 (trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 BLTTDS 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn).

  • Bước 5: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm. (đối với những vụ án có kết quả hòa giải không thành hoặc những vụ án trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 BLTTDS 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn).

Trong vòng 01 tháng để chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, trưng cầu giám định, định giá tài sản, mở phiên tòa giải quyết việc dân sự… Nếu chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể kéo dài thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu nhưng không vượt quá 01 tháng.

  • Bước 6: Đưa vụ án ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm.

Điều 222 BLTTDS 2015 quy định về yêu cầu, hình thức của một phiên tòa sơ thẩm.

  • Phán quyết của Tòa án là quyết định, bản án nhân danh Nhà nước và có hiệu lực pháp luật.

Vai trò của Luật sư trong các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ?

Sự đồng hành của Luật sư đối với các bên trong tranh chấp hợp đồng dịch vụ là cần thiết và mang lại lợi ích đáng kể. Cụ thể là:

  • Thứ nhất, trong tất cả các phương thức giải quyết tranh chấp, khi có Luật sư đồng hành, khách hàng sẽ nhận được những tư vấn, đánh giá và phân tích nội dung vụ việc dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng. Luật sư sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình tư vấn, hỗ trợ khách hàng xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp.
  • Thứ hai, với sự đồng hành của Luật sư trong mọi phương thức giải quyết tranh chấp, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng được bảo vệ một cách tối ưu nhất. Đồng thời, sự tham gia của Luật sư và quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ sẽ giúp cho quá trình này diễn ra một cách nhanh chóng, tiết kiệm về mặt chi phí và hạn chế được những rủi ro không mong muốn về mặt pháp lý.
  • Thứ ba, đối với phương thức giải quyết tranh chấp thương lượng, hoà giải, Luật sư tham gia trực tiếp vào quá trình tư vấn, có thể đại diện khách hàng tham gia trực tiếp tại các phiên thương lượng, hoà giải.
  • Thứ tư, đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Tòa án, Luật sư tham gia vào cả quá trình tư vấn và tố tụng.

Các công việc của Luật sư khi tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ?

  • Tiếp nhận thông tin sơ bộ và các tài liệu được khách hàng cung cấp;
  • Tiến hành nghiên cứu hồ sơ và tài liệu, phân tích và đánh giá vụ việc tranh chấp;
  • Tiến hành tư vấn và đề xuất hướng giải quyết vụ việc, đề xuất cho khách hàng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất với mục tiêu của khách hàng;
  • Lên kế hoạch và thảo luận, phối hợp với khách hàng thực hiện phương thức giải quyết tranh chấp đã lựa chọn;
  • Đối với khách hàng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thương lượng hoặc hòa giải: Luật sư đại diện cho khách hàng đàm phán với các bên liên quan để đưa ra phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng;
  • Đối với khách hàng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Tòa án: Luật sư đại diện khách hàng khởi kiện tham gia tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Luật sư tư vấn hợp đồng uy tín
Luật sư tư vấn hợp đồng uy tín

Tóm lại, có nhiều phương thức giải quyết có thể được áp dụng khi hợp đồng dịch vụ có tranh chấp. Như đã phân tích trên, sự đồng hành, hỗ trợ của Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ là thực sự cần thiết, với những lợi ích đáng kể như: quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm được về mặt chi phí, đồng thời Luật sư sẽ bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đảm bảo tiến trình khách hàng giải quyết các tranh chấp phù hợp với các quy định của pháp luật.

Để biết thêm thông tin chi tiết về giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ vui lòng liên hệ thông tin sau đây:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619