Hiện nay, các tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng xảy ra ngày càng nhiều, nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ chủ đầu tư hoặc nhà thầu. Theo đó việc giải quyết tranh chấp giữa các bên được thực hiện theo hợp đồng hay theo quy định của pháp luật. Những tranh chấp này có thể khởi kiện đến Tòa án được không? Nắm rõ các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp giúp tiết kiệm thời gian và tránh trường hợp ngừng thi công ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình. Vì vậy, dưới đây Luật sư Thông sẽ hướng dẫn, phân tích các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng.
Mục lục
Hợp đồng thi công xây dựng là gì?
Theo khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Các loại hợp đồng thi công xây dựng hiện nay:
Cụ thể tại Điều 140 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), hợp đồng xây dựng được phân thành 02 loại:
Theo tính chất, nội dung công việc thực hiện, hợp đồng xây dựng gồm:
- Hợp đồng tư vấn xây dựng;
- Hợp đồng thi công xây dựng công trình;
- Hợp đồng cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình xây dựng;
- Hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng, hợp đồng chìa khóa trao tay;
- Hợp đồng xây dựng khác.
Theo hình thức giá hợp đồng áp dụng, hợp đồng xây dựng gồm:
- Hợp đồng trọn gói;
- Hợp đồng theo đơn giá cố định;
- Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh;
- Hợp đồng theo thời gian;
- Hợp đồng theo chi phí cộng phí;
- Hợp đồng theo giá kết hợp;
- Hợp đồng xây dựng khác.
Chủ thể hợp đồng thi công xây dựng là gì?
Hợp đồng xây dựng được thiết lập giữa bên có nhu cầu xây dựng (bên giao thầu) và bên thực hiện hoạt động xây dựng (bên nhận thầu). Bên giao thầu là bên sở hữu nguồn vốn có nhu cầu xây dựng, thiết kế, thi công, lắp đặt,… một công trình nhất định, bên nhận thầu sẽ nhận thực hiện các công việc theo yêu cầu của bên giao thầu để nhận lại lợi ích kinh tế tương ứng. Bên giao thầu bao gồm chủ đầu tư hoặc tổng thầu hoặc nhà thầu chính hoặc trong một số trường hợp có thể là đại diện của chủ đầu tư tùy vào tính chất của dự án. Trường hợp bên giao thầu là chủ đầu tư thì bên nhận thầu là nhà thầu chính hoặc tổng thầu.
Tùy thuộc vào nguồn vốn của các dự án đầu tư mà chủ thể của hợp đồng có thể khác nhau. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, bên giao thầu bắt buộc phải là Nhà nước được đại diện bởi các cơ quan, tổ chức của Nhà nước. Còn đối với các dự án thương mại thông thường, chủ đầu tư có thể là cá nhân, tổ chức, là thương nhân hoặc không phải là thương nhân.
Bên nhận thầu là đơn vị có đầy đủ năng lực để xây dựng công trình cho bên giao thầu. Họ sẽ ký hợp đồng với bên giao thầu để thực hiện các công việc, dự án liên quan đến công trình ấy.
Những tranh chấp thường xuyên phát sinh liên quan đến hoạt động thi công xây dựng:
- Tranh chấp do vi phạm tiến độ thanh toán theo hợp đồng;
- Tranh chấp do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình;
- Tranh chấp về phạt vi phạm trong hợp đồng thi công xây dựng;
- Tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn;
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thi công xây dựng.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng
Theo quy định tại Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, việc giải quyết các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng phải tuân thủ nguyên tắc và trình tự giải quyết được quy định tại khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng 2014. Theo đó, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng phải tuân theo nguyên tắc và trình tự giải quyết như sau:
- Các bên phải tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
- Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục mỗi hình thức về cơ bản được thực hiện như sau:
Đối với phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được thực hiện theo khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP. Các bên phải thỏa thuận giải quyết thông qua hòa giải được thực hiện bởi cơ quan, tổ chúc hoặc một số chuyên gia. Chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng và do mỗi bên hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đối với phương thức giải quyết bằng trọng tài thương mại sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 2010, các bước thực hiện như sau:
- Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo với các nội dung như: ngày, tháng, năm, tên, địa chỉ, tóm tắt nội dung tranh chấp,…
- Bị đơn nộp đơn bảo vệ trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo;
- Thành lập hội đồng trọng tài bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên, nếu các bên không thỏa thuận thì gồm ba trọng tài viên;
- Tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về phương hướng giải quyết tranh chấp;
- Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết theo nguyên tắc đa số.
Đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các bước thực hiện như sau:
- Đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng. Sau khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo thì người khởi kiện phải làm thủ tục nộp tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án;
- Tòa án sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện, nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được Tòa án thụ lý;
- Vụ án bước vào giai đoạn chuẩn bị xét xử và hòa giải. Tại giai đoạn này Tòa án sẽ mở phiên họp kiểm tra, giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải. Mục đích là để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết vụ án và cung cấp chứng cứ cho các bên đương sự;
- Cuối cùng, Tòa án sẽ ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm theo thủ tục chung.
Hợp đồng thi công xây dựng đóng vai trò là bản thỏa thuận giữa các bên giao thầu và bên nhận thầu, đây là một văn bản quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Bởi nó ghi nhận các cam kết của các bên liên quan đến thi công công trình nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ. Khi phát sinh tranh chấp các bên có thể lựa chọn các hình thức tranh chấp sao cho đảm bảo được quyền lợi và giải quyết một cách nhanh nhất.
Dịch vụ luật sư tư vấn, giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng
- Trao đổi, thống nhất với khách hàng về ý kiến pháp lý của vụ việc một cách khách quan trên cơ sở các quy định pháp luật liên quan và hợp đồng xây dựng đã ký kết;
- Hỗ trợ pháp lý, tư vấn thu thập chứng cứ, hỗ trợ kiện toàn hồ sơ khởi kiện;
- Tư vấn về trình tự thủ tục giải quyết hợp đồng thi công xây dựng;
- Hỗ trợ, đại diện khách hàng tham gia đàm phán, thương lượng, hòa giải với chủ đầu tư, nhà thầu;
- Hỗ trợ soạn thảo các văn bản trong quá trình đàm phán, chấm dứt vụ việc tranh chấp;
- Cử luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng trong các giai đoạn tố tụng Tòa án, trọng tài.
Trên đây là tư vấn của Luật sư Thông về giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng, để biết thêm thông tin chi tiết, quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây.
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH