Đăng ký khai sinh cho con là trách nhiệm của cha, mẹ, ông bà,… Nhưng nếu trong trường hợp những người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trễ thì có bị xử phạt không? Cùng Luật sư Thông tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Quy định của pháp luật về thời hạn đăng ký khai sinh cho con
Thời hạn đăng ký khai sinh cho con được quy định tại Điều 15 Luật Hộ tịch 2014. Theo đó, khoản 1 Điều này quy định, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Nếu cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Việc đăng ký khai sinh không chỉ thuộc về riêng trách nhiệm của cha, mẹ hoặc ông bà mà còn là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, cán bộ công chức tư pháp – hộ tịch cũng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn theo đúng hạn mà pháp luật quy định. Trong trường hợp cần thiết, công chức tư pháp – hộ tịch có thể tổ chức đăng ký khai sinh lưu động.
Như vậy, thời gian đăng ký khai sinh cho con là 60 ngày kể từ ngày sinh con. Các bậc cha, mẹ cần chú ý thời hạn này để làm khai sinh cho con.
Đăng ký khai sinh trễ có bị phạt hay không?
Theo quy định trước đây, cụ thể tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP, đăng ký khai sinh quá hạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con nhưng không thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo (khoản 1 Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP).
Hiện nay, các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
‘’Điều 37. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đối với một trong các hành vi sau: Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
- Hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này’’.
Từ quy định trên, có thể thấy, hình thức xử phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký khai sinh quá hạn cho con đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là có thể tùy ý đăng ký hoặc không đăng ký khai sinh cho con. Theo đó, những người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em vẫn phải thực hiện đăng ký khai sinh đúng thời hạn. Đồng thời cán bộ công chức tư pháp – hộ tịch có trách nhiệm đôn đốc để trẻ em được thực hiện khai sinh theo đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm bài viết có liên quan
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ thông tin sau:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH