• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Hợp đồng vay tài sản là loại hợp đồng tương đối phổ biến và thông dụng hiện nay. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi các bên đang trong quá trình giao kết hay các bên đang thực hiện hợp đồng. Vậy khi xảy ra tranh chấp hợp đồng vay tài sản thì sẽ giải quyết như thế nào? Thẩm quyền thủ tục ra sao? Cùng Luật sư Thông làm rõ vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là gì?

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc theo pháp luật có quy định.

Đối tượng của hợp đồng vay tài sản

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản khác. Trong đó, tiền và vật là hai đối tượng phổ biến nhất hiện nay. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản được chuyển từ bên cho vay sang bên vay làm sở hữu. Bên vay có quyền định đoạt đối với tài sản vay. Khi hết hạn của hợp đồng vay tài sản, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia một tài sản khác cùng loại với tài sản đã vay hoặc số tiền đã vay.

Chủ thể của hợp đồng vay tài sản

Chủ thể của hợp đồng vay tài sản là bên cho vay và bên vay. Bên cho vay và bên vay có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Cá nhân phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 và năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015. Đối với pháp nhân phải có năng lực pháp luật dân sự. Pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng vay tài sản thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền.

Hình thức của hợp đồng vay tài sản

Hình thức của hợp đồng có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Hình thức bằng miệng thường được áp dụng trong các trường hợp khoản vay không lớn và các bên có mối liên hệ thân quen hoặc anh chị em trong gia đình với nhau. Trường hợp cho vay bằng miệng nếu có xảy ra tranh chấp, bên cho vay phải chứng minh được mình đã cho vay một số tiền hoặc một số tài sản nhất định.

Trong thực tế, nếu hình thức của hợp đồng bằng miệng nếu xảy ra tranh chấp thì rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, các bên nên lập thành văn bản khi ký kết hợp đồng. Các bên có thể tự lập hợp đồng hoặc yêu cầu văn phòng công chứng lập và công chứng hợp đồng vay tài sản.

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là gì?

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc cả hai bên chủ thể của hợp đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản.

Tranh chấp có thể về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ mà các bên đã tự nguyện thỏa thuận. Hoặc cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng.

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, thậm chí hiện nay không ít vụ việc bị khởi tố hình sự liên quan đến hợp đồng vay. Do đó các bên cần thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và tìm cách giải quyết tranh chấp trên tinh thần thiện chí vì lợi ích của hai bên.

Các tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường gặp hiện nay

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là một trong những loại tranh chấp xảy ra nhiều nhất và ngày càng phức tạp. Trên thực tế, có thể bắt gặp các dạng tranh chấp hợp đồng vay tài sản phổ biến như sau:

  • Tranh chấp hợp đồng vay tài sản phát sinh khi bên vay chậm trả nợ;
  • Tranh chấp hợp đồng vay tài sản về lãi suất cho vay;
  • Tranh chấp hợp đồng vay tài sản do đến hạn trả nợ nhưng bên vay không trả tiền, bên cho vay cũng không có giấy giao nhận tiền;
  • Tranh chấp hợp đồng vay tài sản do hình thức giả tạo của hợp đồng vay tài sản;
  • Tranh chấp hợp đồng vay tài sản liên quan đến tài sản bảo đảm khoản vay.
Các tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường gặp hiện nay
Các tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường gặp hiện nay

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Khi xảy ra tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, các bên nên thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải quyết vấn đề trên nguyên tắc tôn trọng nhau, đi đến kết quả có lợi nhất cho cả hai bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được, các bên có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền tự thỏa thuận về Tòa án nơi nguyên đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, trong trường hợp tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án cấp tỉnh.

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Hồ sơ khởi kiện

Người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu liên quan quy định tại Điều 189, Điều 91, Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

  • Đơn khởi kiện: nội dung đơn phải thỏa mãn theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (mẫu 23 -DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP);
  • CMND/CCCD, giấy tờ xác nhận thông tin cư trú của người khởi kiện, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đăng ký hoạt động (nếu người khởi kiện/người bị kiện là doanh nghiệp);
  • Tài liệu liên quan tới nội dung vụ việc như hợp đồng hoặc văn bản tài liệu có giá trị như một giao dịch vay tài sản, tài liệu, chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay, chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi trong hạn của bên vay…
Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp

Để có thể nhanh chóng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, có thể thực hiện giải quyết theo trình tự các bước sau đây:

Bước 1. Người khởi kiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như trên và nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền

Theo Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện gửi đơn kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) (Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2017).

Bước 2. Thụ lý vụ án

  • Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo cho người khởi kiện biết để họ đến Chi cục thi hành án dân sự làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
  • Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (căn cứ theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Bước 3. Chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

  • Đối với các vụ án tranh chấp về dân sự được quy định tại Điều 26, tranh chấp về hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 28 thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
  • Đối với các vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại được quy định tại Điều 30, tranh chấp về lao động được quy định tại Điều 32 thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
  • Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với các vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, không quá 01 tháng đối với các vụ án kinh doanh thương mại và lao động.
  • Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có), (quy định cụ thể tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Bước 4. Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm

  • Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán phải mở phiên tòa, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
  • Trường hợp bản án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

>>Xem thêm: Dịch vụ Luật sư tranh tụng tại Tòa.

Thời hiệu khi xảy ra tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản được quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Liên hệ Luật sư Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản theo thông tin dưới đây:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619