• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Tại toà, Phạm Thị Oanh khóc, nói muốn tận dụng cơn sốt đất để làm giàu nhưng “vỡ mộng”, phải liên tục vay tiền để trả, vô tình đẩy các chủ nợ vào bi kịch.

Suốt phiên xử mở tại TAND tỉnh Hà Tĩnh hôm 17/3, Oanh, 43 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, liên tục bày tỏ hối hận khi để lòng tham lấn át lý trí, khiến nhiều người phải chịu khổ, mắc nợ chồng chất vì cho mình vay tiền. Phía dưới hội trường, nhiều bị hại mặt thất thần, nói Oanh vừa đáng trách vừa đáng thương, còn tiền của họ thì không biết khi nào mới được trả.

Theo cáo trạng, năm 2021, Oanh vay nhiều người để đầu tư mua bán đất ở huyện Lộc Hà, song thua lỗ, nợ hơn 6 tỷ đồng tiền gốc, mỗi tháng phải trả 300 triệu đồng tiền lãi. Đến tháng 5/2022, Oanh mất khả năng thanh toán.

Bị nhiều chủ nợ hối thúc, nên Oanh gặp người thân, hàng xóm, bạn bè vay tiền hoặc rủ chung vốn mua đất, hứa trả lãi đúng hạn, ngoài ra còn chia đôi tiền lời sau khi bán đất. Để tạo sự tin tưởng, Oanh tự nhận một số miếng đất mặt đường xã Thạch Châu và thị trấn Lộc Hà là của mình rồi dẫn họ đi xem, nói “đã có cò trả giá cao hơn vài trăm triệu đồng, nếu hùn vốn đầu tư thì chắc chắn vài ngày là có lời”.

Tháng 5-7/2022, ba phụ nữ ở xã Thạch Kim và Thạch Châu, huyện Lộc Hà cho Oanh vay gần 4,7 tỷ đồng, người nhiều nhất là hơn 2,6 tỷ đồng. Nhận tiền, Oanh đem trả nợ, tiêu xài hết. Đến hẹn không có tiền trả gốc và lãi, bị hối thúc, Oanh nhắn tin cho các chủ nợ cùng nội dung: “Em bị bể nợ rồi, xin lỗi gia đình anh chị”. Từ tố cáo của các nạn nhân, tháng 10 cùng năm Oanh bị cảnh sát bắt.

Oanh từng bị Công an huyện Lộc Hà xử phạt hành chính về hành vi Đánh bạc vào năm 2012.

Bị cáo Oanh khóc khi trả lời thẩm vấn hôm 17/3. Ảnh: Đức Hùng
Lòng tham trong cơn sốt đất

Bị cáo Oanh khóc khi trả lời thẩm vấn hôm 17/3. Ảnh: Đức Hùng

Vẻ mặt mệt mỏi, Oanh khai trước đây làm lao động tự do, thỉnh thoảng cùng bạn bè chung vốn mua đất rồi bán lại để kiếm lời nhưng hiệu quả không cao. Năm 2021, Hà Tĩnh xảy ra cơn sốt đất từ nông thôn đến thành thị, một miếng đất vùng quê rộng 200 m2 trước đây giá chỉ vài trăm triệu đồng bỗng tăng lên hơn một tỷ, thậm chí qua nhiều lần “sang tay” đã vượt mức 2 tỷ. Oanh làm liều vay mượn tiền bạn bè, họ hàng đi mua đất bán lại, với hy vọng kiếm được nhiều tiền để cải thiện cuộc sống.

“Bị cáo vỡ mộng làm giàu do thiếu vốn, kinh nghiệm kinh doanh bất động sản hạn chế. Vay tiền tỷ mua đất với giá cao nhằm ‘lướt sóng’ nhưng sau vài tháng thì không có khách hàng đoái hoài, đành phải hạ giá bán lỗ”, Oanh cho biết. Tiền thu về không đủ trả gốc và lãi cho chủ nợ, sau vài tháng nợ nần chồng chất, không còn cách nào khác Oanh đành phải dùng chiêu trò đi vay tiền của người khác về để khắc phục.

Dự tòa với vai trò bị hại, chị Trần Thị Thư, 47 tuổi, huyện Lộc Hà, cho hay tháng 5/2022, Oanh hai lần đến nhà nói mới mua hai miếng đất trị giá 2-6 tỷ đồng, muốn vay 1,1 tỷ đồng để làm thủ tục, sau một tuần sẽ trả hết và cho thêm 2 triệu đồng tiền “hoa hồng”. Là hàng xóm buôn đất với nhau từ 2020, lại được viết giấy vay nợ rồi dẫn đi xem một số miếng đất mặt tiền chị Thư đồng ý, mà không biết đây là lô đất Oanh nhận vơ.

Chị Thư gom hết tiền của gia đình, vay thêm 350 triệu đồng tiền tiết kiệm của bố đẻ đưa cho Oanh. Theo chị Thư, Oanh tỏ ra “thoáng” khi mượn tiền. Biết mình vừa vay ngân hàng 100 triệu đồng để mua ôtô cho chồng chạy taxi, Oanh nói sau khi trả hết nợ còn cho vay thêm 100 triệu, khoản này không tính lãi. Đến hạn, chị Thư nóng ruột gọi điện yêu cầu trả nhưng Oanh khất lần này đến lần khác.

“Tối 5/8/2022, Oanh nhắn tin ‘chị ơi, xin lỗi chị. Em buôn đất thua lỗ, nhà cửa bây giờ bị siết hết cả rồi’. Tôi đọc xong hốt hoảng, chỉ biết kêu trời. Nhắn tin, gọi điện cho Oanh để hỏi rõ lý do song đều không được”, chị Thư kể.

HĐXX thẩm vấn bị cáo và các bị hại. Ảnh: Đức Hùng
Lòng tham trong cơn sốt đất

HĐXX thẩm vấn bị cáo và các bị hại. Ảnh: Đức Hùng

Là người cho Oanh vay nhiều nhất, hơn 2,6 tỷ đồng, bà Phạm Thị Thủy, 52 tuổi, trú xã Thạch Kim, khóc khi trả lời thẩm vấn. Theo bà Thủy, tháng 6-7/2022, Oanh nói dối mới mua hai thửa đất tại xã Thạch Châu trị giá 1,1-1,6 tỷ đồng, đã có khách trả giá với mức cao hơn 100-150 triệu. Oanh rủ bà Thủy góp vốn đưa cho mình để thanh toán tiền mua đất, khi “sang tay” xong sẽ chia đôi tiền lời.

“Khi sự việc vỡ lở, tôi gặp Oanh trao đổi rằng tình nghĩa chị em bao lâu nay, không muốn làm phức tạp vấn đề, chỉ mong được trả lại tiền. Oanh đáp ’em bây giờ tay trắng, chị cứ báo công an’. Tôi khổ tâm lắm, không còn cách nào khác ngoài gửi đơn tố cáo với hy vọng vớt vát chút nào hay chút đó”, bà Thủy cho hay.

Trong ba bị hại, bà Cao Thị Liên, 50 tuổi, trú xã Thạch Châu may mắn nhất khi cho Oanh vay 900 triệu đồng nhưng nay đã được trả hết nên không khiếu nại gì thêm. Chị Thư mới được khắc phục 550 triệu đồng, bà Thủy nhận 100 triệu đồng nên cùng đề nghị tòa giảm án cho Oanh, song đề nghị sớm trả nốt số tiền còn lại.

Từ chỗ là hàng xóm thân thiết, chị Thư và bà Thủy chia sẻ từ ngày cho Oanh vay tiền không lấy lại được, các bên ít liên hệ, tình cảm gắn kết nhiều năm qua nay tiêu tan. Trong nội bộ gia đình hai bị hại cũng có sự bất hòa, khi phải mượn tiền bố mẹ, họ hàng để đưa cho Oanh. Trong thời gian dài họ phải lánh mặt người thân vì không biết giải thích ra sao khi bị chất vấn “bao giờ lấy lại được tiền”.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, 48 tuổi, chồng Oanh, cho biết từ ngày vợ buôn đất thua lỗ, gia đình rơi vào bi kịch, dù đã bán miếng đất và căn nhà ở xã Thạch Kim với giá hơn 4 tỷ đồng ở để khắc phục trả nợ nhưng vẫn “như muối bỏ biển”. “Tôi và các con đã chuyển về nhà ngoại ở, tài sản hiện nay chẳng còn gì”, anh Nghĩa nói.

Các bị hại tại tòa. Ảnh: Đức Hùng
Lòng tham trong cơn sốt đất

Các bị hại tại tòa. Ảnh: Đức Hùng

Chủ toạ phân tích, vụ án này cũng xuất phát từ việc hám lợi của các bị hại, khi tin tưởng Oanh sẽ trả tiền lãi và chia đôi tiền lời từ việc buôn bán đất. “Làm ăn lâu năm với nhau mà các chị vẫn không hiểu hết được tâm tính của đối tác để mà đề phòng, đây là bài học rất đắt giá”, thẩm phán nói.

Tại phần luận tội, đại diện VKS nói không chỉ riêng bị cáo Oanh, mà trong xã hội hiện nay nhiều gia đình cũng lao đao vì sốt đất. Công tố viên đề nghị người dân cần biết cách quản lý tài sản của mình, nếu không có chuyên môn, kiến thức sâu về bất động sản thì không nên “lướt sóng làm liều”, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, ngoài mất tiền còn có nguy cơ dính đến lao lý.

Xét hành vi của Oanh là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản người khác được pháp luật bảo vệ, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt Oanh 14-15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, đồng thời phải trả hết hết các khoản tiền đã chiếm đoạt cho bị hại.

Nói lời sau cùng, Oanh lấy tay gạt nước mắt, xin lỗi gia đình cùng các bị hại, mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm về làm ăn trả nợ, khắc phục hậu quả. Dứt lời, Oanh tỏ vẻ mệt mỏi, gục xuống bàn xét xử.

Theo HĐXX, bị cáo gặp vấn đề về sức khỏe nên cần điều trị, khi nào hồi phục thể trạng toà sẽ tuyên án.

Nguồn: https://vnexpress.net/long-tham-trong-con-sot-dat-4584722.html

BÀI VIẾT KHÁC

0982645619 0982645619