Hiện nay có một thắc mắc mà nhiều người gặp phải, đó là trong thời kỳ hôn nhân nếu các cặp vợ chồng muốn chia tài sản chung thì có bắt buộc lập văn bản và công chứng, chứng thực hay không. Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta tra cứu quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình sẽ thấy rằng, điều 38 Luật HNGĐ quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân quy định:
1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Trong khi đó, Điều 39 Luật HNGĐ quy định về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có nội dung rằng:
1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là bắt buộc phải lập thành văn bản thì mới có hiệu lực. Nhưng pháp luật về Hôn nhân và Gia đình không buộc phải công chứng văn bản này mà tùy theo nhu cầu của vợ, chồng hoặc quy định của pháp luật khác.
Trong khi đó, pháp luật về đất đai (áp dụng trong trường hợp chia tài sản chung là quyền sử dụng đất) quy định tại Điều 27 về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Chúng ta thấy rằng, Luật đất đai không quy định về hình thức của văn bản chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này chưa có văn bản nào quy định về việc phải công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm hành nghề của tác giả, theo quy định của luật chúng ta có quyền lựa chọn công chứng, chứng thực đối với văn bản này và chúng ta nên áp dụng việc công chứng, chứng thực cho văn bản này. Trừ trường hợp, các tài sản được phân chia chưa phù hợp với quy định của pháp luật về công chứng như: quyền sử dụng đất chưa được cấp sổ,…
Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: 22 Đường E, Trung tâm hành chính Dĩ An, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH