Bà A khi sinh ra mang họ mẹ là Nguyễn Thị A. Sau khi cha của bà A là cụ Lê Văn B chết thì bà Nguyễn Thị A làm đơn yêu cầu xác định cụ B là cha của bà A. Vậy cơ quan nào giải quyết việc này cho bà A?
Theo quy định tại khoản 2, điều 101 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại điều 92 của Luật này”.
Đồng thời, nội dung này cũng được quy định tại khoản 10, điều 29 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, cụ thể: “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình” là yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Cơ quan Tòa án là cơ quan giải quyết việc dân sự này.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 35 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015:
“Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
…
b. Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này”
và điểm t, khoản 2, điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015:
“Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
t. Tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu có thẩm quyền giải quyết yêu cầu … xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết việc dân sự này.
Luật sư Nguyễn Sỹ Thông
Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: 22 Đường E, Trung tâm hành chính Dĩ An, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH