• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Giải quyết việc nuôi con khi ly hôn như thế nào?

Khi ly hôn thì cha mẹ vẫn có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, trông nom con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Khi giải quyết vụ án, Tòa án căn cứ vào khoản 2 và khoản 3, điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình để xem xét quyết định giao cho ai là người trực tiếp nuôi. Cụ thể, điều luật này quy định như sau:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Trong quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng có quyền tự thỏa thuận về việc người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con (quyền thăm nuôi, nghĩa vụ cấp dưỡng, tôn trọng quyền sống chung với người được trực tiếp nuôi,…). Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định dựa trên các căn cứ trong hồ sơ vụ án và đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con.

Quyền nuôi con khi ly hôn giải quyết như thế nào

Khi xem xét quyền lợi về mọi mặt của con thì Tòa án phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí như:

a.     Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;

b.     Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;

c.     Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;

d.     Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;

e.     Đảm bảo sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;

f.      Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để đảm bảo ổn định tâm lý và tình cảm của con;

g.     Nguyện vọng của con được sống cùng với cha hoặc mẹ.

Đối với trẻ có độ tuổi từ đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa án phải xem xét ý kiến của trẻ. Khi lấy ý kiến, phải đảm bảo các yêu cầu sau:

–        Không lấy ý kiến trước mặt cha mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con;

–        Đảm bảo thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình;

–        Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con.

Đối với con dưới 36 tháng tuổi

Người mẹ được ưu tiên giao con để trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc. Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con như mắc bệnh hiểm nghèo, không thể tự chăm sóc bản thân, không thể chăm sóc con, thu nhập của người mẹ thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ cư trú, không có tài sản nào khác để trông non, chăm sóc con, giáo dục con;… Trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nhưng người cha không có điều kiện tốt hơn người mẹ thì quyền trực tiếp nuôi con vẫn thuộc về người mẹ.

LIÊN HỆ TƯ VẤN

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông
Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: 22 Đường E, Trung tâm hành chính Dĩ An, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

BÀI VIẾT KHÁC

0982645619 0982645619