(PLO)- Bản án tranh chấp di sản thừa kế đã có hiệu lực hơn năm năm nhưng đến nay vẫn chưa thể thi hành vì tòa án và cơ quan thi hành án trái quan điểm.
Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, bà NTG (sinh năm 1962, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết bản án chia thừa kế của TAND huyện Củ Chi mà bà là nguyên đơn đã có hiệu lực hơn năm năm nhưng đến nay vẫn chưa thể thi hành vì giữa tòa án và cơ quan thi hành án (THA) có quan điểm khác nhau.
Tòa nói bản án đã rõ, thi hành án nói chưa
Nội dung vụ án thể hiện bà G khởi kiện em ruột là ông NVH, yêu cầu chia thừa kế đối với phần đất có diện tích hơn 13.000 m2 cho sáu anh chị em mà cha mẹ để lại (lúc mất không có di chúc).
Tháng 9-2018, TAND huyện Củ Chi đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà G. Theo đó, bà G cùng bốn anh chị em khác được chia bằng hiện vật là đất và bằng nhau, riêng ông H được chia phần nhiều hơn vì HĐXX đã xem xét đến một phần công sức giữ gìn, tu bổ đối với di sản mà cha mẹ để lại. Hiện ông H đang là người quản lý phần di sản.
Bản án sau đó có hiệu lực thi hành, tháng 1-2019, Chi cục THA dân sự (DS) huyện Củ chi ra quyết định THA theo yêu cầu. Đến tháng 5-2019, khi cơ quan THA xuống thực địa để tiến hành giao đất cho những người thừa kế thì không thực hiện được vì ông H không đồng ý bàn giao.
Cho rằng bản án đã tuyên không có nội dung tuyên “buộc ông H phải bàn giao đất” nên không có cơ sở để cưỡng chế, Chi cục THADS huyện Củ chi đã gửi văn bản để yêu cầu tòa giải thích bản án.
Trong các văn bản giải thích vào tháng 9-2019 và tháng 4-2021, TAND huyện Củ chi cho biết trong phần quyết định của bản án đã thể hiện rõ đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất. Sau khi chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế đã được chia phần cụ thể.
Do đó, nếu ông H không thi hành bản án và các đồng thừa kế còn lại có đơn yêu cầu THA thì Chi cục THADS huyện Củ chi có quyền yêu cầu buộc ông H giao đất trên thực tế. Trường hợp ông H không tự nguyện giao đất thì Chi cục THADS có quyền cưỡng chế theo quy định tại Điều 13 Nghị định 62/2015.
Trong một diễn biến liên quan, vào tháng 8-2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng đã có văn bản thông báo không có cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm bản án. TAND Cấp cao nhận định nội dung bản án sơ thẩm là rõ ràng, không gây khó khăn cho công tác THA. Ông H là người quản lý di sản không tự nguyện thi hành thì cơ quan THADS có quyền cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 Luật THADS.
Có cơ sở để cưỡng chế hay không?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết thực tế có nhiều trường hợp bản án, quyết định của tòa án không xác định rõ người phải THA hoặc không xác định rõ khoản phải thi hành. Điều này gây khó khăn cho cơ quan THA trong việc xác định chủ thể phải THA.
Do đó, một khoảng thời gian dài, một số cơ quan THADS thường nêu lý do không thể xác định chính xác được người phải THA theo bản án, quyết định của tòa nên không tiến hành THA.
Trước thực trạng này, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2020 quy định rõ dù bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải THA nhưng cơ quan THADS không được quyền từ chối yêu cầu THA trong trường hợp giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản mà tại thời điểm yêu cầu THA, người được THA không được trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản.
Như vậy, với quy định trên thì bà G và các đồng thừa kế có quyền yêu cầu cơ quan THADS thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật do TAND huyện Củ chi tuyên. Bản án đã thể hiện rõ đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất đối với mảnh đất có diện tích hơn 13.000 m2 đang do ông H quản lý.
Về nguyên tắc, cơ quan THADS hoàn toàn có thể xác định được người phải THA. Thực tế vào tháng 5-2019, cơ quan THA đã xuống thực địa để tiến hành giao đất cho các đồng thừa kế nhưng không thực hiện được vì ông H không đồng ý bàn giao.
Theo TS Minh, trong trường hợp này, lẽ ra cơ quan THA phải cưỡng chế ông H để giao đất cho các đồng sở hữu khác chứ không nên “xét lại” bản án đã có hiệu lực pháp lý.
Bà G và các đồng thừa kế khác có quyền khiếu nại đến chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Củ Chi hoặc Cục THADS TP.HCM về việc chậm THA.
Đây cũng là phương thức để người dân kiểm tra, giám sát việc THA của chấp hành viên. Trường hợp sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại và nếu không đồng ý thì người dân có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại để giải quyết vụ việc.•
Khởi kiện một vụ án khác nhưng tòa không thụ lý
Theo Chi cục THADS huyện Củ Chi, ông H là một trong những người thừa kế nhưng không có đơn yêu cầu THA. Quá trình THA thể hiện ông H không có thiện chí trả lại đất cho các chị em, có thái độ chống đối.
Tuy nhiên, để có cơ sở cưỡng chế đối với ông H thì trong nội dung bản án tuyên không buộc ông H phải giao tài sản. Do đó, Chi cục THADS không có cơ sở tổ chức cưỡng chế giao đất đối với ông H.
Từ những lý do trên, Chi cục THADS huyện Củ Chi đã hướng dẫn bà G cùng các đồng thừa kế khởi kiện ông H bằng một vụ án riêng, yêu cầu buộc ông H phải giao đất đã chia thừa kế. Đồng thời, cơ quan này cũng đã thu hồi quyết định THA theo yêu cầu đã ban hành trước đó.
Sau đó, bà G cũng đã khởi kiện nhưng bị tòa trả đơn vì vụ việc đã được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.
Kết nối MXH