(PLO)- Chính phủ đề xuất trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Sáng 26-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của luật hiện hành còn phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn; sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản.
Đáng chú ý, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch hơn, hạn chế các tiêu cực phát sinh, khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là với một số tài sản đặc thù.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, dự thảo đã bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá với tài sản đặc thù, gồm: Quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án.
Cụ thể, dự thảo quy định thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất; việc người có tài sản đấu giá xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá…
Với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, dự thảo luật quy định tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận việc nộp tiền đặt trước vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và được phong tỏa theo quy định của pháp luật về ngân hàng.
Người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá một ngày làm việc.
Khi trúng đấu giá, khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có trách nhiệm chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nêu ý kiến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam đề nghị những tài sản có ảnh hưởng lớn như quyền sử dụng đất, mức cọc phải từ 20- 30% để tránh việc bỏ cọc, sau khi đã đẩy giá lên, tạo tín hiệu sai lệch cho thị trường.
Dẫn chứng vụ Thủ Thiêm, ông Nam cho rằng việc đấu giá đất lên đến 1 tỷ đồng/m2 nhưng sau đó bỏ cọc đã làm ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.
Đồng tình Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Trần Văn Lâm lo ngại nếu chỉ quy định mức cọc tối đa là 20% giá khởi điểm thì có thể một nhóm người vẫn có thể phối hợp thao túng, sẵn sàng “thổi giá” trong đấu giá quyền sử dụng đất, từ đó “thổi giá” thị trường nhằm bán các khu đất khác.
Trước ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết vấn đề này đã được cân nhắc rất kỹ, nhưng cũng không thể nâng lên quá cao. Theo ông Long, mức cọc thông thường chỉ từ 5 – 20%, nếu nâng lên quá cao sẽ là hàng rào kỹ thuật loại bỏ người muốn tham gia đấu giá.
Kết nối MXH