Khi người vay ngân hàng không còn khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm nhằm mục đích thu hồi nợ. Quy trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của ngân hàng phải trải qua nhiều giai đoạn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến quý khách hàng các bước cơ bản của quá trình xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng khi thu hồi nợ.
Mục lục
Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
Căn cứ Điều 299 Bộ luật dân sự năm 2015 (“BLDS 2015”), các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm được quy định như sau:
“Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.”
Như vậy, theo quy định nêu trên, tài sản bảo đảm sẽ bị tiến hành xử lý nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây:
- Bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đã Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Quy trình xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng
Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm
Căn cứ Điều 300 BLDS 2015, trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác. Trong trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
Nếu bên bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 300 BLDS 2015 mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Căn cứ khoản 1 Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây:
- Lý do xử lý tài sản bảo đảm;
- Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý;
- Thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.
Giao tài sản bảo đảm để xử lý
Quy trình giao tài sản bảo đảm để xử lý được thực hiện theo quy định tại Điều 301 BLDS 2015 và Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP. Theo đó, người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết (trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác).
Lưu ý: Các bên có thể thỏa thuận về việc giao, xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm.
Xử lý tài sản bảo đảm
Xử lý tài sản bảo đảm sẽ được thực hiện theo các phương thức quy định tại Điều 302 BLDS 2015, cụ thể như sau:
Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
- Bán đấu giá tài sản;
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác.
Trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo các phương thức cụ thể như đã phân tích trên, tài sản được bán đấu giá (trừ trường hợp luật có quy định khác).
Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm
Sau khi thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm, số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ được thanh toán theo các thứ tự ưu tiên theo quy định tại Điều 37 và 308 BLDS 2015.
Theo đó, số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp (sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp) được thanh toán theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;
- Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;
- Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
Nếu số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
Nếu số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Tại sao nên cần Luật sư Thông hỗ trợ trong trường hợp người vay ngân hàng không còn khả năng thanh toán khi khoản nợ đã đến hạn?
Quy trình thu hồi tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của ngân hàng là quy trình phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người có khoản vay đã không còn khả năng thanh toán. Vì vậy, trường hợp người vay ngân hàng không còn khả năng thanh toán khi khoản nợ đã đến hạn, Luật sư Thông sẽ hỗ trợ và tư vấn cho quý khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác các vấn đề pháp lý có liên quan như sau:
- Xác định và tư vấn cho quý khách hàng phương án giải quyết tối ưu nhất với khoản nợ đang có, hạn chế tối đa việc tài sản bảo đảm bị xử lý để thu hồi nợ của ngân hàng;
- Trong trường hợp tài sản bảo đảm bị xử lý, Luật sư sẽ tư vấn chi tiết quy trình, thủ tục và chi tiết hồ sơ cần chuẩn bị cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của ngân hàng;
- Trong một số trường hợp, Luật sư có thể đóng vai trò là người đàm phán, đại diện quý khách hàng thương lượng để gia hạn thời hạn thanh toán các khoản nợ;
- Giúp đỡ đàm phán, thương lượng nhằm gia hạn nợ;
- Bên cạnh đó, Luật sư sẽ đại diện khách hàng giám sát, bảo đảm quá trình thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm đúng trình tự, thủ tục luật định.
Trên đây là chi tiết quy trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của ngân hàng. Mọi thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin liên hệ dưới đây để được hỗ trợ giải đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến quy trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH