• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Con cái và tài sản là hai yêu cầu thường xuyên tranh chấp trong các vụ án ly hôn. Sau khi ly hôn ai là người có quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của người không trực tiếp nuôi con được quy định như thế nào là vấn đề thường khó thống nhất khi giải quyết tranh chấp ly hôn. Quyền nuôi con sau ly hôn được quy định như thế nào? Để làm rõ vấn đề này, cùng Luật sư Thông tìm hiểu qua bài viết dưới đây

Quyền nuôi con sau ly hôn được quy định như thế nào?

Khi ly hôn vợ chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Quyền nuôi con sau khi ly hôn được xác định như sau

– Vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau để vợ hoặc chồng là người trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc con và người kia có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu con từ 7 tuổi đến dưới 18 tuổi Tòa án sẽ triệu tập để lấy lời khai về nguyện vọng sống với bố hoặc mẹ.

– Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp nuôi con thì có thể yêu cầu Tòa án quyết định người được trực tiếp nuôi con dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:

  • Nếu con dưới 36 tháng tuổi được đưa cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con;
  • Nếu con trên 3 tuổi thì quyền nuôi con của cha, mẹ là như nhau. Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con và phải xem xét đến nguyện vọng của con muốn được sống trực tiếp với ai để quyết định việc trao quyền nuôi con cho vợ hoặc chồng.

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:

“Điều 81: Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con sau ly hôn:

  1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có khả năng lao động để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
  2. Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi dưỡng con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con, trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Nếu con từ 7 tuổi đến dưới 18 tuổi Tòa án sẽ triệu tập để lấy lời khai về nguyện vọng sống với bố hoặc mẹ
Nếu con từ 7 tuổi đến dưới 18 tuổi Tòa án sẽ triệu tập để lấy lời khai về nguyện vọng sống với bố hoặc mẹ

Điều kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con

Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì điều kiện đầu tiên thay đổi người nuôi con trực tiếp sau ly hôn là: Cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này có yêu cầu Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con dựa trên:

  1. Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Đây là trường hợp đơn giản nhất và dễ giải quyết nhất, nên nếu cha mẹ muốn thay đổi quyền nuôi con trực tiếp thì nên thỏa thuận trước với vợ cũ/chồng cũ về vấn đề này.
  2. Người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trong trường hợp này người đưa ra yêu cầu phải chứng minh được người đang trực tiếp nuôi dưỡng con không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con. Các điều kiện này hiện nay không được Luật cụ thể nhưng trong thực tiễn giải quyết vấn đề nên chú ý đến các yếu tố sau:

Điều kiện về kinh tế: Bố mẹ đang trực tiếp nuôi con không có đủ điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng con. Thu nhập quá thấp so với mức bình quân hoặc thất nghiệp;

Điều kiện về sức khỏe: Bố mẹ mắc những bệnh hiểm nghèo hoặc những bệnh truyền nhiễm không đủ sức khỏe để chăm sóc cho con;

Điều kiện về thời gian, môi trường giáo dục con: Ví dụ người hiện tại đang trực tiếp nuôi dưỡng con không có đủ điều kiện chăm sóc con như: Thường xuyên phải đi công tác, đi đêm về hôm hay môi trường sống ồn ào, hay nhậu nhẹt ảnh hưởng đến cuộc sống và quá trình học tập của con…

Bố mẹ vi phạm nghiêm trọng trong việc nuôi dưỡng giáo dục con: Như không trực tiếp chăm sóc, giáo dục con, bạo hành con…

Hướng dẫn giành quyền nuôi con sau khi ly hôn

Thông thường khi ly hôn vấn đề quyền nuôi con không phải dễ dàng thỏa thuận được. Chính vì vậy có rất nhiều người thắc mắc làm sao họ có thể giành quyền nuôi con.

Nếu muốn giành quyền nuôi con,bạn phải chứng minh mình có điều kiện nuôi con tốt hơn chồng hoặc vợ của mình. Những điều kiện cần chứng minh là về vật chất và tinh thần cụ thể như dưới đây:

Phải chứng minh được mình có đủ điều kiện về vật chất, kinh tế như

  • Thu nhập thực tế;
  • Công việc ổn định;
  • Có chỗ ở ổn định.

Theo đó bạn phải có điều kiện về tài chính hơn so với chồng/vợ, mức thu nhập, nơi cư trú của bạn phải đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, học tập và vui chơi cho con.

Để chứng minh được vấn đề này cần cung cấp cho Tòa án những giấy tờ như:

  • Hợp đồng lao động;
  • Bảng lương;
  • Giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu đất; Sổ tiết kiệm;
  • Sở hữu nhà.

Điều kiện về tinh thần như

  • Thời gian chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con;
  • Tình cảm dành cho con từ trước đến nay;
  • Điều kiện cho con vui chơi giải trí;
  • Nhân cách đạo đức của cha mẹ.

Tòa án không chỉ xét dựa vào yếu tố kinh tế, mà sẽ xét điều kiện nuôi con của người vợ hoặc chồng về mặt tinh thần, thời gian, sức khỏe. Bởi sau khi ly hôn bên nào không nuôi dưỡng con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Theo đó nếu muốn giành quyền nuôi con thì phải chứng minh được mình có đủ điều kiện về kinh tế, vật chất cũng như điều kiện về tinh thần tốt hơn bên đang trực tiếp nuôi dưỡng con và chứng minh chồng/vợ của người đó không có đủ điều kiện nuôi dưỡng con.

Nếu muốn giành quyền nuôi con,bạn phải chứng minh mình có điều kiện nuôi con tốt hơn chồng hoặc vợ của mình
Nếu muốn giành quyền nuôi con,bạn phải chứng minh mình có điều kiện nuôi con tốt hơn chồng hoặc vợ của mình

Vì sao nên nhờ Luật sư tư vấn giành quyền nuôi con

  • Luật sư am hiểu về quy trình pháp lý và các quy định liên quan đến quyền nuôi con trong trường hợp ly hôn;
  • Đưa ra các lời khuyên phù hợp để đảm bảo lợi ích của con được đặt lên hàng đầu;
  • Giải quyết các tranh chấp xảy ra và đưa ra các phương án giải quyết tốt nhất cho các bên liên quan;
  • Đảm bảo mang lại hiệu quả pháp lý cao nhất;
  • Tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục giành quyền nuôi con và các thủ tục liên quan.

Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải vấn đề liên quan đến quyền nuôi con trong trường hợp ly hôn, bạn nên tìm đến Luật sư để được tư vấn, hỗ trợ trong quá trình giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn và con cái.

Một số câu hỏi liên quan

Không đăng ký kết hôn có được giành quyền nuôi con không?

Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, nam nữ có đủ điều kiện để đăng ký kết hôn nhưng không làm thủ tục mà chỉ sống chung với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Mặc dù không làm phát sinh quan hệ hôn nhân nhưng nếu có con chung thì vẫn phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với con như khi là vợ chồng. Theo đó, khi không ở với nhau nữa, để giành được quyền nuôi con thì hai bên có thỏa thuận.

Theo đó, người được nuôi con phải chứng minh được bản thân sẽ cung cấp môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của con. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ dựa vào quyền lợi của con để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

Vi phạm quy định về quyền nuôi con bị phạt thế nào?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn, người vi phạm sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng. Đồng thời sẽ bị yêu cầu buộc phải cấp dưỡng theo quy định.

Bên cạnh đó, khi đã có quyết định của Tòa án yêu cầu cha hoặc mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng không thực hiện bản án mặc dù có đủ điều kiện và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thì có thể bị phạt tối đa 05 năm tù giam theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, nếu trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ khiến người con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015.

Trên đây là một số vấn đề về quy định quyền nuôi con sau khi ly hôn. Để biết thêm thông tin, Quý khách vui lòng liên hệ Luật sư qua thông tin sau:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

0982645619 0982645619