Ngày nay, các vụ án liên quan đến lĩnh vực hình sự có xu hướng gia tăng cả về số lượng tội phạm cũng như mức độ phức tạp, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây ra tác hại rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả đối với hiện tượng tiêu cực này, tùy từng trường hợp, tội phạm sẽ bị xử lý theo nhiều hình phạt khác nhau theo quy định của pháp luật về hình sự. Với kinh nghiệm nhiều năm thông qua các lĩnh vực tư vấn, đại diện và bảo vệ quyền lợi của Quý khách hàng trong việc giải quyết các vụ án hình sự, Luật sư Thông xin cung cấp đến bạn các thông tin về “Các hình phạt của Bộ luật Hình sự và mục đích của hình phạt”.
Mục lục
Khái niệm về hình phạt
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Các hình phạt của Bộ luật Hình sự
Căn cứ vào quy định tại Điều 32 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hai loại hình phạt đối với người phạm tội, bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
Hình phạt chính
Cảnh cáo: Theo Điều 34 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Phạt tiền: Điều 35 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây: Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do bộ luật hình sự quy định, người phạm tội rất nghiêm tọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm do bộ luật quy định. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác theo quy định của Bộ luật hình sự. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không thấp hơn 1.000.000 đồng.
Cải tạo không giam giữ: Dựa vào Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Trục xuất: Trục xuất là buộc người bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Điều 37 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017))
Tù có thời hạn: Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm tội thuộc một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm. Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù. Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng. (Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017))
Tù chung thân: Tù chung thân là hình phạt tù không có thời hạn áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử lý phạt tử hình. Không áp dụng tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. (Điều 39 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017))
Tử hình: Căn cứ vào quy định Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội đặc biệt nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự quy định.
Hình phạt bổ sung
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định: áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Cấm cư trú: Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.
Quản chế: Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương.
Tước một số quyền công dân: Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
- Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
- Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Tịch thu tài sản: Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.
Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính: Nếu phạt tiền không được áp dụng là hình phạt chính thì phạt tiền sẽ được coi là hình phạt bổ sung.
Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính: Trục xuất là hình phạt bổ sung khi nó không được áp dụng là hình phạt chính, khi nào hình phạt trục xuất là hình phạt bổ sung thì tuân theo những quy định của pháp luật hình sự.
Mục đích của hình phạt
Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã khẳng định hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Quy trình cung cấp dịch vụ pháp lý từ phía Luật sư Thông
Trao đổi trực tiếp với Luật sư
Luật sư Nguyễn Sỹ Thông khuyến nghị Quý khách hàng liên hệ trực tiếp với Luật sư tại địa chỉ: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhằm được đạt được sự thống nhất hướng giải quyết, cũng để phía Luật sư có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, xem xét kỹ càng và đưa ra lời tư vấn khả quan nhất, bảo vệ tối đa lợi ích khách hàng.
Ngoài ra, Quý khách hàng cũng có thể liên hệ với Luật sư Nguyễn Sỹ Thông thông qua địa chỉ Email: thongnguyen.legal@gmail.com hoặc thông qua Điện thoại/Zalo của Luật sư chuyên về hình sự: 0982645619
Ký hợp đồng dịch vụ pháp lý
Sau khi bàn bạc, thảo luận, đồng ý với phương án giải quyết, Quý khách hàng nếu có nhu cầu có thể ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý với Luật sư Nguyễn Sỹ Thông để chính thức nhờ Luật sư tham gia giải quyết những vướng mắc pháp lý của Quý khách hàng.
Trên đây là nội dung bài viết “Các hình phạt của Bộ luật Hình sự và mục đích của hình phạt”. Để biết thêm thông tin chi tiết quý khách vui lòng liên hệ Luật sư Thông để được hỗ trợ.
Kết nối MXH