Trong thời buổi thị trường khan hiếm việc làm, tình trạng lao động thất nghiệp ngày càng chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều người lao động hoặc sinh viên mới tốt nghiệp chấp nhận chính sách thử việc không lương với mong muốn có cơ hội việc làm hoặc học hỏi thêm kinh nghiệm chuyên môn. Tuy nhiên, việc người sử dụng lao động áp dụng chính sách thử việc không lương có đúng với quy định pháp luật hiện hành và hậu quả pháp lý của chính sách này như thế nào? Thông qua bài viết này, Luật sư Thông sẽ cung cấp đến quý khách hàng những vấn đề pháp lý xoay quanh câu chuyện “thử việc không lương”.
Mức lương thử việc theo quy định pháp luật lao động hiện hành
Căn cứ Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tiền lương thử việc như sau:
“Điều 26. Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”
Như vậy, đối với bất kỳ trường hợp lao động thử việc với bất kỳ loại công việc hay chức danh công việc gì, thì người lao động luôn được hưởng mức lương thử việc ít nhất bằng 85% mức lương của công việc đó trong thời gian thử việc (có thể cao hơn mức 85%, tùy thuộc vào thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động nhưng không được dưới mức Luật quy định). Việc một số người sử dụng lao động là cá nhân hoặc doanh nghiệp áp dụng thử việc không lương, điều này đồng nghĩa với việc họ đã áp dụng chính sách tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc là 0% mức lương của công việc đó.
Do đó, việc các doanh nghiệp đưa ra chính sách thử việc không lương là hành vi vi phạm pháp luật lao động, người lao động cần lưu ý vấn để này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia vào quan hệ lao động.
Người sử dụng lao động áp dụng thử việc không lương sẽ bị áp dụng những chế tài nào?
Việc không trả lương thử việc (hay chính sách “thử việc không lương”) cho người lao động trong quá trình thử việc không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích trực tiếp của người lao động mà còn làm cho người sử dụng lao động phải gánh chịu những chế tài của pháp luật. Cụ thể như sau:
Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đưa ra các hình phạt và mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm quy định về thử việc. Trong đó:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”
Đồng thời, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ghi nhận như sau:
“1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”
Như vậy, kết hợp các điều khoản trên, khi người sử dụng lao động áp dụng chính sách thử việc không lương, điều ngày đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động đã vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hình phạt, mức phạt cụ thể và các biện pháp khắc phục hậu quả sẽ tùy thuộc người sử dụng lao động là cá nhân hay tổ chức áp dụng chính sách thử việc không lương, cụ thể như sau:
Người sử dụng lao động là cá nhân có hành vi vi phạm về mức lương thử việc của người lao động:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (mức phạt cụ thể thường là 3.500.000 đồng);
- Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.
Người sử dụng lao động là pháp nhân có hành vi vi phạm về mức lương thử việc của người lao động:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đồng (mức phạt cụ thể thường là 7.000.000 đồng).;
- Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.
Như vậy, sử dụng chính sách thử việc không lương là hành vi vi phạm pháp luật lao động. Người sử dụng lao động khi tham gia vào quan hệ lao động cần lưu ý về vấn đề này. Đối với những người lao động (cá nhân hoặc doanh nghiệp sử dụng chính sách này) đang có xu hướng bóc lột sức lao động của người lao động, vì vậy người lao động cần cân nhắc có nên làm việc cho các các cá nhân hoặc tại các doanh nghiệp này hay không? Đồng thời, người sử dụng lao động cũng nên chú ý chính sách về mức lương thử việc, không nên áp dụng chính sách thử việc không lương đối với người lao động để đảm bảo vận hành doanh nghiệp cũng như công việc kinh doanh đúng với các quy định của pháp luật lao động hiện hành, tránh bị áp dụng các hình phạt cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả nhưng đã phân tích trên.
Trên đây là giải đáp của Luật sư Thông về người lao động có nên chấp nhận thử việc không lương trong thời buổi thị trường lao động khan hiếm việc làm hay không? Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin liên hệ dưới đây:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH