Câu hỏi: Kính thưa Luật sư, tôi đang tiến hành soạn thảo hợp đồng xây dựng (công trình không sử dụng vốn nhà nước). Tôi muốn xây dựng điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên khi hợp đồng có hiệu lực. Tuy nhiên, khi tìm hiểu các quy định pháp luật hiện hành, tôi chỉ tìm thấy căn cứ pháp lý về mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 áp dụng đối với công trình có vốn nhà nước. Như vậy, mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng mà các công trình không sử dụng vốn nhà nước sẽ căn cứ vào văn bản pháp lý nào và mức tối đa về mức phạt vi phạm đối với loại hợp đồng này là bao nhiêu? Rất mong nhận được phản hồi từ Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và lựa chọn dịch vụ pháp bên phía công ty chúng tôi – Chuyên tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng xây dựng.
Về câu hỏi của Quý khách hàng, Luật sư Thông xin đưa ra phân tích và phản hồi về quy định của pháp luật liên quan đến phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng như sau:
Mục lục
Một số vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng
Phạt vi phạm hợp đồng là gì?
Phạt vi phạm hợp đồng là một loại trách nhiệm trong hợp đồng, đây là hình thức trách nhiệm được ghi nhận trong hợp đồng do các bên thỏa thuận.
Điều kiện để áp dụng phạt vi phạm trong hợp đồng?
Để áp dụng phạt vi phạm trong hợp đồng, cần thỏa mãn điều kiện sau đây:
Căn cứ khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm như sau: “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.
Do đó, bên bị vi phạm chỉ được áp dụng phạt vi phạm đối với bên vi phạm khi điều khoản phạt vi phạm được ghi nhận trong hợp đồng theo sự thỏa thuận của các bên. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu trong hợp đồng giữa các bên không tồn tại điều khoản phạt vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm không được áp dụng phạt vi phạm mặc dù trên thực tế có hành vi vi phạm xảy ra.
Mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành
Mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng đối với công trình có vốn nhà nước theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014
Căn cứ Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng như sau:
“Điều 146. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng
…
- Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.”
Như vậy, phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng theo quy định áp dụng đối với công trình có vốn nhà nước với mức phạt vi phạm không quá 12% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
LƯU Ý: Luật Xây dựng năm 2014 không quy định về mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước.
Mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng đối với công trình không có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành
Như đã trình bày, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định về mức phạt vi hợp đồng trong hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước. Như vậy, đối với công trình không có vốn nhà nước thì mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng sẽ áp dụng như thế nào? Về vấn đề này, Luật sư chúng tôi có hướng giải quyết như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng năm 2014 quy định như sau: “1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.”. Như vậy, Luật Xây dựng năm 2014 cũng định nghĩa hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng dân sự. Do đó, hợp đồng xây dựng có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015. Bộ luật Dân sự 2015 cho phép các bên thỏa thuận được mức phạt vi phạm mà không chịu bất kỳ giới hạn nào, trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác (căn cứ Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015). Trong khi đó, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định về mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 48/BXD-KTXD ngày 3 tháng 9 năm 2019 (Công văn 48) giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp xoay quanh mức phạt vi phạm tối đa được áp dụng trong hợp đồng xây dựng đối với các công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước. Bộ Xây dựng cho rằng, các bên được quyền áp dụng mức phạt vi phạm đã được thỏa thuận theo hợp đồng xây dựng đối với công trình không sử dụng vốn nhà nước. Với cách giải thích này của Bộ Xây dựng, có thể hiểu rằng trong trường hợp của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước, mức phạt vi phạm tối đa 8% theo Luật Thương mại 2005 không được áp dụng và các bên có quyền tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm theo Bộ luật Dân sự 2015.
Căn cứ Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm hoặc không cao hơn gấp 10 lần thù lao dịch vụ giám định (trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật Thương mại năm 2005). Như vậy, mức phạt vi phạm hợp đồng theo Luật Thương mại năm 2005 có thể được áp dụng cho hợp đồng xây dựng nếu đáp ứng điều kiện hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng có tính chất thương mại (và hợp đồng đó phải là hợp đồng xây dựng của công trình không sử dụng vốn nhà nước).
Như vậy, trong trường hợp mà anh/chị đang gặp phải khi soạn thảo hợp đồng xây dựng (công trình không sử dụng vốn nhà nước), mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng này sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc Luật Thương mại năm 2005 (nếu áp dụng mức phạt vi phạm theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, anh/chị cần xem xét tính chất loại hợp đồng).
Hy vọng những giải đáp của chúng tôi về phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng sẽ hữu ích cho quý khách hàng trong quá trình rà soát và soạn thảo hợp đồng xây dựng, đặc biệt là khi xây dựng các điều khoản về phạt vi phạm. Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin liên hệ dưới đây để được hỗ trợ giải đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến lao động:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH