Câu hỏi: Kính thưa Luật sư, tôi hiện là chuyên viên hành chính nhân sự tại một công ty kinh doanh hàng nội thất. Tháng 06/2023 vừa qua, tôi đã tiến hành rà soát các thủ tục liên quan đến lĩnh vực lao động của toàn công ty. Sau khi kiểm tra, tôi được biết công ty tôi đã không thực hiện báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022. Xin cho tôi hỏi, việc không thực hiện báo cáo như vậy có được hay không và có bị phạt hay không? Rất mong Luật sư tư vấn để tôi tiến hành thực hiện cho đúng quy định của pháp luật lao động. Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư.
Trả lời:
Cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và lựa chọn dịch vụ pháp bên phía công ty chúng tôi – Chuyên tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến lao động.
Về câu hỏi của Quý khách hàng, Luật sư Thông xin đưa ra phân tích và phản hồi như sau:
Chủ thể thực hiện báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động
Căn cứ Điều 81 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
“Điều 81. Thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động
- Hằng năm, người sử dụng lao động phải thực hiện thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như sau:
a) Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác;
b) Thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Luật này.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết điểm a khoản 1 Điều này sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế”.
Theo đó, người sử dụng lao động là chủ thể có trách nhiệm thực hiện báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Do đó, người sử dụng lao động, đặc biệt là phòng hành chính nhân sự hoặc các bộ phận trong doanh nghiệp đảm nhận việc thực hiện báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động cần đặc biệt lưu ý các nội dung liên quan đến vấn đề này để triển khai thực hiện cho doanh nghiệp theo để đảm bảo quy định pháp luật và theo dõi tổng quan tình hình an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
Thời gian thực hiện báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH, thời gian thực hiện báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
“Điều 10. Thống kê, báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động
…
- Người sử dụng lao động phải báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hằng năm với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử) theo mẫu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo phải gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm sau.”
Như vậy, trước ngày 10 tháng 01 của năm sau, người sử dụng lao động phải báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hằng năm với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế. Chẳng hạn, doanh nghiệp báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 tại đơn vị mình thì thực hiện) theo mẫu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH và phải gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm 2023.
Một số điều cần lưu ý khi báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật
Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hằng năm là thủ tục bắt buộc đối với doanh nghiệp. Cho nên, báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt. Đây là điều doanh nghiệp nên chú ý để tránh bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động.
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hành vi vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, áp dụng với các hành vi cụ thể sau đây:
- Hành vi không báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động;
- Hành vi báo cáo không đúng thời hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, quý khách hàng cần lưu ý, căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, trong trường hợp tổ chức (thường là các doanh nghiệp) vi phạm với cùng hành vi như trên sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Trường hợp câu hỏi quý khách hàng gửi đến Văn phòng Luật sư chúng tôi, sau khi đã cung cấp các thông tin như trên, Luật sư chúng tôi xin trả lời ngắn gọn như sau: Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH, công ty anh/chị báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 tại đơn vị mình thì thực hiện theo mẫu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH và phải gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm 2023. Việc không thực hiện báo cáo năm 2022, đến thời điểm hiện tại đã là tháng 07/2023, căn cứ khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (áp dụng với tổ chức) và thường mức phạt sẽ là 4.000.00 đồng.
Trên đây là một số lưu ý về báo cáo về vệ sinh, an toàn lao động và một số giải đáp thắc mắc gửi đến quý khách hàng. Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin liên hệ dưới đây để được hỗ trợ giải đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến lao động trong doanh nghiệp:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH