• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Đại diện theo ủy quyền để một người nào đó thay mặt họ thực hiện một/một số công việc nhất định không còn xa lạ, đặc biệt là trong các doanh nghiệp. Việc hiểu và vận dụng đúng về thời hạn ủy quyền đóng vai trò quan trọng để đảm bảo người ký hợp đồng/hồ sơ là người có thẩm quyền, tránh trường hợp hợp đồng vô hiệu sau khi các bên đã ký vì lý do chủ thể ký kết hợp đồng không có thẩm quyền ký kết. Bài viết dưới đây nhằm cung cấp cho quý khách hàng những vấn đề pháp lý cơ bản và một số thông tin cần lưu ý về trường hợp ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền.

Hợp đồng ủy quyền là gì?

Khái niệm

Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS 2015”), hợp đồng ủy quyền được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Phân loại hợp đồng ủy quyền

Hiện nay, hợp đồng ủy quyền bao gồm hai loại:

  • Hợp đồng ủy quyền có thù lao

Căn cứ khoản 1 Điều 569 BLDS 2015, đối với trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có (căn cứ khoản 2 Điều 569 BLDS 2015).

  • Hợp đồng ủy quyền không có thù lao

Căn cứ khoản 1 Điều 569 BLDS 2015, đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Khác với hợp đồng ủy quyền có thù lao, trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý (căn cứ khoản 2 Điều 569 BLDS 2015) (nếu đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý thì bên nhận ủy quyền phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có).

Hợp đồng ủy quyền được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền

Nội dung hợp đồng ủy quyền

Nội dung của Hợp đồng ủy quyền phải tuân thủ Điều 3, Điều 9, Điều 10 BLDS 2015. Cụ thể như sau:

  • Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng;
  • Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực;
  • Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;
  • Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự;
  • Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy định tại Điều 3 và Điều 10 của BLDS 2015. Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác;
  • Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật;
  • Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định nêu trên thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.
Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật
Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật

Thời hạn ủy quyền

Căn cứ Điều 563 BLDS 2015 quy định “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”, thời hạn ủy quyền có thể chia làm các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Thời hạn ủy quyền phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng ủy quyền hoặc do pháp luật quy định.

Nếu trong hợp đồng ủy quyền có nêu rõ thời hạn ủy quyền, thì hợp đồng ủy quyền sẽ có hiệu lực theo thỏa thuận của các bên đã được ghi nhận trong hợp đồng ủy quyền. Chẳng hạn, hợp đồng ủy quyền quy định điều khoản như sau: “3. Thời hạn ủy quyền: Hợp đồng ủy quyền này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/05/2024”, như vậy, trong trường hợp này, hai bên đã thỏa thuận thời hạn ủy quyền, cụ thể, hợp đồng ủy quyền sẽ có hiệu lực tại thời điểm hai bên ký vào hợp đồng và thời hạn ủy quyền chấm dứt vào 24 giờ ngày 31/05/2024.

Trường hợp 2: Thời hạn ủy quyền khi hợp đồng ủy quyền không có sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng ủy quyền và pháp luật không có quy định.

Trường hợp không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Chẳng hạn, một số hợp đồng ủy quyền có cách ghi nhận về điều khoản thời hạn ủy quyền như sau: “Hợp đồng này có thời hạn từ ngày ký đến khi có ủy quyền mới thay thế”  hoặc “Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ký cho đến khi ông Nguyễn Văn A không còn giữ chức vụ Phó Giám đốc Sản xuất tại Công ty TNHH ABC”,… Trong những trường hợp này, hợp đồng ủy quyền không có sự thỏa thuận về một thời hạn ủy quyền cụ thể của các bên (không thuộc trường hợp 1 đã phân tích trên), do đó, thời hạn ủy quyền chỉ là 1 (một) năm. Điều này quý khách hàng nên hết sức lưu ý khi các bên tham gia ký kết hợp đồng/hồ sơ giấy tờ với bên được ủy quyền, mặc dù chưa có hợp đồng ủy quyền thay thế hoặc người nhận ủy quyền vẫn còn giữ chức vụ thì thời hạn hợp đồng ủy quyền hết 1 (một) năm vẫn phải yêu cầu họ cung cấp ủy quyền mới để đảm bảo chủ thể tham gia ký kết hợp đồng có thẩm quyền ký kết.

Trên đây là một số lưu ý về hợp đồng ủy quyền và thời hạn ủy quyền. Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ Luật sư chúng tôi qua thông tin liên hệ dưới đây để được hỗ trợ giải đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến ủy quyền:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619