Chiều 21-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự luật nhận được sự quan tâm của đông đảo ĐBQH khi có tới 170 ĐBQH đăng ký thảo luận.
Trao đổi với PLO, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết bà cũng đã đăng ký trình bày trước Quốc hội về nhiều nội dung.
Trong đó, liên quan đến hình thức thực hiện các quyền của người sử dụng đất quy định tại khoản 3 Điều 28, dự thảo hiện nay chia ba nhóm, đáng chú ý tại điểm b quy định trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Ảnh: QH |
Theo bà Hạnh, nội dung này khi góp ý tại tổ, nhiều ĐBQH đánh giá đây là quy định chưa minh bạch, đề nghị cần quy định bắt buộc thực hiện công chứng khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mà không phụ thuộc vào chủ thể tham gia giao dịch có chức năng kinh doanh bất động sản, nhằm đảm bảo sự minh bạch và bảo vệ cho bên yếu thế là các cá nhân.
Cơ quan soạn thảo cũng dự kiến tiếp thu các ý kiến góp này và điều chỉnh quy định theo hướng “Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật có liên quan”.
Đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan soạn thảo, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM nhận định trường hợp bên tham gia giao dịch là cá nhân thì khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin về tài sản giao dịch còn nhiều hạn chế, thì cần thiết có một đơn vị không phụ thuộc lợi ích với các bên, để xử lý hài hòa mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ giữa các bên, hướng dẫn, giải thích pháp luật cho các bên tham gia giao dịch, kiểm tra và xác thực về tình trạng pháp lý của tài sản giao dịch là rất cần thiết, là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn pháp lý, hạn chế đến mức thấp nhất những tranh chấp, khiếu nại có thể phát sinh.
Bà Hạnh cũng đề nghị Chính phủ cần thống nhất quan điểm trong việc tiếp thu đối với dự án Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, tức là cần quy định các giao dịch liên quan bất động sản, tài sản gắn liền với đất, thì phải thực hiện việc công chứng, chứng thực, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vì hiện nay dự thảo Luật kinh doanh bất động sản có quy định việc giao dịch liên quan bất động sản có một bên tham gia giao dịch có chức năng kinh doanh bất động sản thì chỉ thực hiện công chứng, chức thực khi có yêu cầu.
Ngoài ra, liên quan đến việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai tại Điều 81, bà Hạnh đề nghị cơ quan soạn thảo xác định hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính (làm căn cứ thu hồi đất -PV) là xử phạt về hành vi gì để thống nhất trong việc áp dụng cũng như thống nhất với các quy định tại các khoản khác trong Điều 81 này.
Kết nối MXH