• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Tội giết người là một trong những loại tội phạm nguy hiểm và phải gánh chịu chế tài nặng nề của pháp luật. Tuy nhiên, ở những trường hợp khác nhau, người bị buộc tội sẽ chịu sự điều chỉnh không giống nhau bởi pháp luật hình sự. Quy định về thủ tục nhờ Luật sư bào chữa tội giết người hiện đang là vấn đề quan tâm của nhiều người, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý khách hàng một số vấn đề pháp lý xoay quanh tội giết người và Dịch vụ Luật sư bào chữa tội giết người.

Tội giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành

Khái niệm

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (sau đây thống nhất viết tắt là BLHS 2015), tội phạm được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Tội giết người được quy định tại Điều 123 BLHS 2015. Giết người là hành vi trái pháp luật, cố ý tước đoạt mạng sống của người khác, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện. Hậu quả của hành vi này là làm người chết. Tội giết người nằm trong nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Cấu thành tội phạm của tội giết người

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội giết người là quan hệ nhân thân, cụ thể là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng con người. Trong khi đó, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất của mỗi người. Tội giết người làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động (con người đang sống thành kết thúc sự sống).

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội giết người bao gồm hành vi khách quan và hậu quả.

Hành vi khách quan của tội giết người là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan có sự kiểm soát của ý chí và có ý thức điều khiển. Hành vi khách quan của tội giết người có thể thực hiện thông qua hành động hoặc không hành động.

Hậu quả của tội giết người là thiệt hại do hành vi phạm tội giết người gây ra, xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người, cụ thể là người chết.

Mặt chủ quan của tội phạm

Mặt chủ quan của tội giết người thể hiện qua yếu tố lỗi: Lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp. Căn cứ Điều 10 BLHS 2015, lỗi cố ý trực tiếp giết người là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi (có khả năng làm nạn nhân chết); lỗi cố ý gián tiếp giết người là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra (có khả năng làm nạn nhân chết), tuy không mong muốn làm nạn nhân chết nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Việc nghiên cứu lỗi của chủ thể phạm tội giết người giúp phân biệt tội giết người với tội vô ý làm chết người.

Chủ thể của tội phạm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 12 và Điều 123 BLHS 2015 thì chủ thể của tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi.

chủ thể của tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên
Chủ thể của tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên

Luật sư bào chữa tội giết người tư vấn các khung hình phạt áp dụng đối với tội giết người theo BLHS 2015

Hình phạt chính 

Căn cứ khoản 1 Điều 123 BLHS 2015, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình với người nào giết người rơi vào các trường hợp sau đây:

  • Giết 02 người trở lên;
  • Giết người dưới 16 tuổi;
  • Giết phụ nữ mà biết là có thai;
  • Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
  • Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
  • Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
  • Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
  • Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
  • Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
  • Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
  • Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
  • Thuê giết người hoặc giết người thuê;
  • Có tính chất côn đồ;
  • Có tổ chức;
  • Tái phạm nguy hiểm;
  • Vì động cơ đê hèn.

Căn cứ khoản 2 Điều 123 BLHS 2015, nếu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, thì người phạm tội giết người bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

LƯU Ý:  Người chuẩn bị phạm tội giết người thì bị áp dụng hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (khoản 3 Điều 123 BLHS 2015).

Hình phạt bổ sung

Căn cứ khoản 4 Điều 123 BLHS 2015, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung:

  • Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
  • Phạt quản chế.
  • Cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Dịch vụ Luật sư bào chữa tội giết người

Vì sao cần Luật sư bào chữa tội giết người?

Như đã trình bày ở mục 1, người phạm tội giết người phải gánh chịu chế tài rất nặng nề theo quy định của pháp luật: bị phạt tù, tù chung thân và thậm chí là tử hình; ngoài ra, người phạm tội còn phải thi hành hình phạt chính đi kèm với các hình phạt bổ sung. Việc có Luật sư bào chữa tội giết người sẽ giúp cho chủ thể:

  • Luật sư bào chữa tội giết người hỗ trợ người bị buộc tội ổn định tâm lý để trình bày sự việc xảy ra chuẩn xác như thực tế;
  • Luật sư bào chữa tội giết người tiến hành tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến hành vi phạm tội và hướng xử lý theo quy định của pháp luật;
  • Luật sư bào chữa tội giết người trực tiếp tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án, tìm hiểu, thu thập các chứng cứ có lợi cho đương sự;
  • Luật sư bào chữa tội giết người sẽ cùng đương sự tham gia vào các giai đoạn xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, theo đúng quy định của pháp luật;
  • Luật sư bào chữa tội giết người làm rõ các tình tiết có thể xem xét là một trong những tình tiết giảm nhẹ tội cho đương sự.
người phạm tội giết người phải gánh chịu chế tài rất nặng nề theo quy định của pháp luật
Người phạm tội giết người phải gánh chịu chế tài rất nặng nề theo quy định của pháp luật

Thủ tục đăng ký Luật sư bào chữa tội giết người

Điểm a Khoản 2 Điều 78 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về thủ tục đăng ký luật sư bào chữa tội giết người như sau: Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.

Trong trường hợp được chỉ định bào chữa được quy định ở Điều 76 Bộ Luật Hình sự 2015 thì người bào chữa cần xuất trình với Cơ quan có thẩm quyền các giấy tờ sau:

  • Xuất trình thẻ Luật sư và bản sao có công chứng;
  • Văn bản cử Luật sư của tổ chức hành nghề Luật sư nơi Luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với các luật sư hành nghề cá nhân.

Quyền và nghĩa vụ của Luật sư bào chữa tội giết người

Quyền và nghĩa vụ của Luật sư bào chữa tội giết người được ghi nhận tại Điều 73 Bộ Luật Hình sự 2015. Một số quyền và nghĩa vụ cơ bản của luật sư khi tham gia Bào chữa trong vụ án giết người:

Quyền của Luật sư bào chữa tội giết người

  • Gặp, hỏi người bị buộc tội;
  • Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can, trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói;
  • Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa, Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
  • Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
  • Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
  • Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
  • Và một số quyền khác do luật định.

Nghĩa vụ của Luật sư bào chữa tội giết người

  • Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết vụ án;
  • Giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý;
  • Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan;
  • Tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;
  • Và một số nghĩa vụ khác do luật định.

Có thể thấy rằng, vai trò của Luật sư bào chữa đối với người bị buộc tội giết người và đương sự trong vụ án giết người là rất quan trọng. Hy vọng bài viết trên mang lại nhiều thông tin hữu ích cho quý khách hàng về Dịch vụ Luật sư bào chữa tội giết người.

LIÊN HỆ LUẬT SƯ BÀO CHỮA TỘI GIẾT NGƯỜI 

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619