Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nhà nước ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp, xác định đây chính là nguồn động lực lớn lao của toàn xã hội. Chính vì thế, để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, Luật nước ta luôn chú trọng đến quyền tự do kinh doanh, đó là một trong những quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013 – Công dân có quyền thành lập doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh tất cả ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng nên những hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện nhất định. Thông qua bài viết này, Luật sư Thông xin cung cấp một số thông tin tư vấn về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mục lục
Khái niệm về ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020 là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam hiện có tổng là 227 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
Điều kiện để được kinh doanh
Tùy thuộc vào từng ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau mà điều kiện kinh doanh cũng có sự khác nhau. Nhưng về cơ bản, điều kiện đầu tư kinh doanh ngành, nghề có điều kiện phải đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
Điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau đây
- Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
- Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
- Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);
- Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;
- Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).
Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây
Giấy phép kinh doanh
+ Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
+ Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
(Căn cứ vào quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020).
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
Tùy từng ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau mà việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sẽ do những cơ quan khác nhau cấp, theo một trình tự, thủ tục khác nhau, được quy định trong những văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau. Những điều kiện này có thể là yêu cầu về phòng chống cháy nổ, yêu cầu về cơ sở, vật chất tối thiểu, yêu cầu về an ninh trật tự, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm,…
Chứng chỉ hành nghề
Chứng chỉ hành nghề do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc hiệp hội nghề nghiệp được Nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật để hoạt động trong một ngành, nghề nào đó. Khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì bắt buộc giám đốc, người đứng đầu hoặc cán bộ chuyên môn của doanh nghiệp đó phải có chứng chỉ hành nghề.Tùy vào từng ngành, nghề khác nhau được quy định trong pháp luật chuyên ngành mà yêu cầu số lượng cá nhân có giấy chứng nhận hành nghề và vị trí của người có giấy chứng nhận hành nghề trong doanh nghiệp cũng khác nhau.
Vốn pháp định
Một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cũng yêu cầu vốn pháp định. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Theo pháp luật hiện hành thì không phải bất cứ loại ngành, nghề nào cũng phải yêu cầu vốn pháp định. Vốn pháp định được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn như trong luật chứng khoán, luật kinh doanh bất động sản,… Việc pháp luật quy định mức vốn pháp định cho một số ngành, nghề kinh doanh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể khi tham gia giao dịch với doanh nghiệp đó cũng như chứng minh cho cơ quan nhà nước thấy được rằng mình đủ tiềm lực về kinh tế để kinh doanh trong lĩnh vực này.
Một số điều kiện khác
- Văn bản xác nhận, chấp thuận;
- Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Trình tự, thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Bước 1: Người kinh doanh chuẩn bị hồ sơ hợp lệ và gửi đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các giấy tờ khác như giấy phép con, vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề,… Bên cạnh đó, chủ thể liên quan đến việc kinh doanh cần chuẩn bị bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của những thành viên (cổ đông); xác định chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty; xác định tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở công ty, ngành nghề kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.
Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử quốc gia.
Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét, thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ và cấp phép hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Trong trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện mà pháp luật quy định đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà doanh nghiệp đã xin phép. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết.
Dịch vụ Luật sư tư vấn ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Để giải quyết hồ sơ liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nhanh, gọn, tối ưu nhất thì Quý khách hàng cần thiết có sự tư vấn từ những Luật sư có chuyên môn cao trong lĩnh vực tư vấn ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật sư Thông – Dịch vụ pháp lý tư vấn ngành nghề kinh doanh có điều kiện luôn sẵn sàng đồng hành cũng Quý khách hàng với trách nhiệm và chữ tín đi đầu.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư tại địa chỉ: 02 Tagore, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh nhằm được đạt được sự thống nhất hướng giải quyết, cũng để phía Luật sư có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, xem xét kỹ càng và đưa ra lời tư vấn khả quan nhất, bảo vệ tối đa lợi ích khách hàng.
Ngoài ra, Quý khách hàng cũng có thể liên hệ với Luật sư qua thông tin sau:
- Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
- Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Kết nối MXH