• 0982645619
  • thongnguyen.legal@gmail.com
  • 22 Đường E, phường Dĩ An, Thành phố Dĩ An, Bình Dương

Trong quá trình xã hội hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, tài sản thuộc sở hữu cá nhân ngày càng đa dạng, phong phú cả về giá trị, số lượng, chủng loại nên vấn đề tranh chấp về thừa kế cũng từ đó mà có xu hướng ngày càng gia tăng. Thực tiễn giải quyết các vụ án về tranh chấp thừa kế gặp phải không ít khó khăn, thời gian giải quyết kéo dài. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó phải kể đến sự nhận thức không đầy đủ về pháp luật của một số cá nhân. Với kinh nghiệm nhiều năm thông qua các lĩnh vực tư vấn, đại diện và bảo vệ quyền lợi của Quý khách hàng trong việc giải quyết nhiều vụ án/vụ việc dân sự liên quan đến vấn đề thừa kế, Luật sư Thông xin đưa ra một số thông tin tư vấn pháp luật thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khái niệm về thừa kế

Hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành không có khái niệm cụ thể về thừa kế, tuy nhiên dựa trên tinh thần của Bộ luật Dân sự 2015, việc thừa kế có thể hiểu là sự dịch chuyển tài sản của một người đã chết sang người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tài sản mà người đã mất để lại được gọi là di sản thừa kế. Người còn sống hay còn được gọi là người hưởng di sản thừa kế sẽ được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế tuỳ thuộc vào di chúc hoặc quy định của pháp luật trong trường hợp không có di chúc. Người thừa kế sẽ trở thành chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản do người chết để lại và được pháp luật bảo hộ.

Xác định thời điểm và địa điểm mở thừa kế

Căn cứ vào Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.

Trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định như sau:

  • Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
  • Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
  • Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  • Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.

Theo quy định trên thì giấy chứng tử, quyết định của Tòa án tuyên bố một người đã chết được coi là căn cứ để chứng minh thời điểm chết của một người. Việc xác định thời điểm mở thừa kế rất quan trọng. Bởi lẽ, kể từ thời điểm đó cũng chính là thời điểm quyền và nghĩa vụ của người thừa kế phát sinh.

Còn địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Quy định về thừa kế theo di chúc

Khái niệm di chúc

Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Điều kiện để di chúc có hiêu lực pháp luật

  • Về năng lực chủ thể và ý chí của người lập di chúc

Đối với người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên): Theo Điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015  thì người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

Với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

  • Về nội dung của di chúc

Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. (Điểm b khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015).

Khoản 1 Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

  • Về hình thức

Hình thức di chúc không trái quy định của luật. Căn cứ vào Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc phải được lập thành văn bản, nếu như không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Theo khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Căn cứ vào Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Tuy nhiên, quy định trên đây không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Hiệu lực pháp luật của di chúc

  • Về thời điểm có hiệu lực của di chúc, Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: “Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.”. Kể từ thời điểm này, người thừa kế di chúc có quyền cũng như kế thừa các nghĩa vụ của người chết để lại.
  • Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

+ Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

  • Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
  • Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
  • Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Trình tự, thủ tục phân chia di sản theo di chúc

  • Việc phân chia di sản được thực hiện theo nội dung của di chúc, nếu như nội dung của di chúc không chỉ định rõ phần di sản được hưởng của từng người thừa kế thì di sản sẽ được chia đều cho tất cả những người thừa kế được chỉ định trong nội dung của di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Ưu tiên đối với di sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
  • Ưu tiên đối với di sản được di tặng. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.
  • Đối với những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thì thì khi phân chia tài sản sẽ phân chia cho những người thừa kế này trước sau đó phần còn lại mới được phân chia theo di chúc.
Tư vấn pháp luật thừa kế
Tư vấn pháp luật thừa kế

Quy định về thừa kế theo pháp luật

Khái niệm thừa kế theo pháp luật

Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 có đưa ra định nghĩa về thừa kế theo pháp luật. Theo đó, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản;
  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

(Căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015)

Các hàng thừa kế theo pháp luật

Việc quy định hàng thừa kế nhằm xác định thứ tự ưu tiên khi phân chưa di sản thừa kế theo pháp luật. Theo pháp luật hiện hành, số lượng hàng thừa kế được chia thành 3 hàng và cơ sở ghi nhận những người trong một hàng tùy thuộc vào độ gần gũi, thân thích với người để lại di sản.

Căn cứ vào Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các hàng thừa kế theo thứ tự sau đây:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại;
  • Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau;
  • Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật không dựa vào ý chí của người để lại di sản mà phân chia theo ý chí của Nhà nước đồng thời có tính đến sự thỏa thuận của những người thừa kế, theo đó, người được hưởng thừa kế chỉ có thể là cá nhân, xét theo hàng thừa kế và phần di sản được hưởng ngang nhau.

Việc phân chia di sản theo pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật, như phân chia đều nhau, theo thứ tự hàng thừa kế, phân chia cho những người nằm trong diện thừa kế. Theo tinh thần tại khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi tiến hành phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế

Căn cứ vào Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu thừa kế được quy định như sau:

  • Yêu cầu chia di sản: 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
  • Yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác: 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
  • Yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại: 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế bên phía Luật sư Thông

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thừa kế và giúp quá trình thừa kế diễn ra một cách suôn sẻ, nhanh chóng thì cần thiết có sự tư vấn từ những Luật sư có chuyên môn cao trong lĩnh vực thừa kế nhằm giúp khách hàng tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho các vấn đề vướng mắc của mình. Luật sư ThôngDịch vụ pháp lý tư vấn pháp luật thừa kế luôn sẵn sàng đồng hành cũng Quý khách hàng với trách nhiệm và chữ tín đi đầu.

Để được trao đổi trực tiếp với Luật sư, chúng tôi khuyến nghị Quý khách hàng liên hệ trực tiếp với Luật sư tại địa chỉ: 02 Tagore, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đạt được sự thống nhất hướng giải quyết, cũng để phía Luật sư có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, xem xét kỹ càng và đưa ra lời tư vấn khả quan nhất, bảo vệ tối đa lợi ích khách hàng.

Ngoài ra, Quý khách hàng cũng có thể liên hệ với Luật sư thừa kế qua thông tin sau đây:

Luật sư Nguyễn Sỹ Thông

  • Tư vấn qua điện thoại: 0982645619
  • Tư vấn qua email: thongnguyen.legal@gmail.com
  • Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng: A11 KTTTDTT số 248 đường Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
0982645619 0982645619