Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi có vấn đề muốn được xin ý kiến của Luật sư, gia đình tôi với nhà họ hàng có tranh chấp với nhau một mảnh đất đã từ rất lâu, la qua chửi về hoài khiến cho cuộc sống gia đình tôi không được yên. Tức quá, tôi quyết tâm phải kiện nhà đó ra Tòa, nhưng khi tôi ra UBND huyện kiện thì được hướng dẫn phải hòa giải ở xã trước mới đúng quy trình. Tôi nghe như vịt nghe sấm, có hiểu mô tê gì đâu, cũng chưa hiểu Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã, phường cụ thể như thế nào, có yêu cầu gì không hay hòa giải tranh chấp đất đai trong bao lâu?
Mong nhận được ý kiến phản hồi từ phía Luật sư. Chân thành cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và lựa chọn dịch vụ pháp lý bên phía Luật sư Thông. Đối với vấn đề mà bạn đang đề cập, Luật sư Thông xin đưa ra những phân tích và ý kiến như sau:
Mục lục
Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai
Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, nơi có đất tranh chấp.
Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì thẩm quyền hòa giải không chỉ tại UBND cấp xã/phường, trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính tại các cấp có thẩm quyền, Luật khuyến khích việc hòa giải trong quá trình giải quyết.
Như vậy, thẩm quyền hòa giải không chỉ có UBND cấp xã/phường, mà tại UBND cấp huyện, cấp tỉnh đều có thể tiến hành hòa giải tại trong quá trình giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, các hòa giải viên tại cơ sở (làng, bản, xóm, Tổ dân phố) đều có tiến hành hòa giải khi có xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã/phường là bắt buộc, vì vậy thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã/phường.
Nguyên tắc hòa giải tranh chấp đất đai
Hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã, phường phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
Một là, phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; tôn trọng sự tự nguyện của các bên; theo nguyên tắc công khai, dân chủ, kết hợp với thuyết phục, phân tích có lý, có tình; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng; kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra.
Hai là, phải tôn trọng quyền tự do, tự cam kết, thỏa thuận của các bên tranh chấp; đảm bảo phù hợp đạo đức xã hội, phong tục tập quán của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong nội bộ nhân dân, quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng yếu thế trong xã hội hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ba là, không được lợi dụng việc hòa giải để ngăn cản các bên tranh chấp bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.
Bốn là, kết quả hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã phải được lập thành biên bản, có đầy đủ chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 có đề cập đến nguyên tắc này: “Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp”.
Năm là, các thành viên của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai phải đảm bảo tính trung lập, độc lập, khách quan, công tư phân minh, rõ ràng. Khi có tranh chấp đất đai phát sinh, các bên tranh chấp thường đưa ra lý lẽ cho rằng mình đúng để bảo vệ quyền, lợi ích của bản thân, mà lại không thấy được cái sai của mình. Do đó, khi tiến hành hòa giải, các thành viên của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai phải thật sự công minh, khách quan, đề cao công bằng, lẽ phải, tìm cách thuyết phục để mỗi bên hiểu rõ cái sai của mình, phân định hài hòa lợi ích của cả hai bên. Tránh hòa giải “hình thức” hoặc “dĩ hòa vi quý” cho xong việc.
Hiện nay, những tranh chấp đất đai phát sinh vô cùng đa dạng và phức tạp. Do đó, các thành viên trong Hội đồng hòa giải tranh chấp cần phải nắm vững các nguyên tắc trên, đồng thời không ngừng cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật, xã hội để công tác hòa giải phát huy tốt hơn nữa vai trò của nó.
Trình tự, thủ tục hòa giải tại cơ sở
Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã, phường được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 và được cụ thể hóa tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật đất đai như sau:
Bước 1: Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
- Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
- Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm:
- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng;
- Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn;
- Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị;
- Trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn;
- Người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc;
- Người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội;
- Già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc;
- Đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó;
- Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn.
- Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
Bước 2: Lập biên bản hòa giải thành hoặc biên bản hòa giải không thành
- Nếu hòa giải thành
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định
- Nếu hòa giải không thành
Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.
Hòa giải tranh chấp đất đai trong bao lâu?
Theo khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Trên đây là những phân tích của Luật sư Thông về vấn đề mà Quý khách hàng đang gặp phải. Hi vọng, với những phân tích trên có thể giúp bạn nắm rõ hơn về Thủ tục hòa giải đất đai tại xã/phường và giúp ích trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nếu có bất kỳ vấn đề vướng mắc nào liên quan đến thủ tục pháp lý, hãy liên hệ với Luật sư Thông để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư Thông tại địa chỉ: A11 KTTTDTT số 248 Trần Hưng Đạo, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương hoặc có thể liên hệ với Luật sư Thông qua địa chỉ Email: thongnguyen.legal@gmail.com hoặc thông qua Điện thoại/Zalo: 0982645619
Xem thêm: Mẫu đơn và hướng dẫn cách viết đơn hòa giải tranh chấp đất đai.
Kết nối MXH